32 doanh nghiệp (DN) là các nhà sản xuất và kinh doanh thép không gỉ (Inox) tại Việt Nam vừa có văn bản gửi Thủ tướng và Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) “bác” lại kiến nghị của Posco VST (Hàn Quốc) và 13 DN Việt Nam khác không đưa sản phẩm GD1 và GD2 vào Tiêu chuẩn Quốc gia.
Trong văn bản đề ngày 24/12/2023, 32 DN cho biết, cuối năm 2019, khi được biết mặt hàng thép không gỉ seri 200 sẽ không được lưu hành trên thị trường kể từ 1/1/2020 – khi Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thép không gỉ (QCVN:2019/BKHCN) ra đời và có hiệu lực, các DN đại diện cho đa số các nhà sản xuất lớn của Việt Nam về thép không gỉ đã cùng thống nhất ký đơn kiến nghị về nội dung và thời gian áp dụng của QCVN:2019/BKHCN.
Sau đó, đơn kiến nghị của các DN đã được xem xét và chấp thuận, Bộ KH&CN ra văn bản lùi ngày thực hiện QCVN:2019/BKHCN đến hết 31/12/2022 để các DN trong nước tìm giải pháp.
Tại Hội thảo “Hội nghị các TCVN về thép không gỉ làm khuôn mẫu và đồ gia dụng” do Bộ KH&CN tổ chức vào trung tuần tháng 11/2022, các nhà khoa học đã kết luận về chất lượng và khả năng áp dụng của sản phẩm seri 200 – cụ thể là 02 sản phẩm GD1 và GD2 – tại thị trường Việt Nam, về tính phù hợp của vật liệu GD1 và GD2 khi vật liệu này đủ đạt tiêu chuẩn Việt Nam đối với thép không gỉ.
Tuy nhiên, sau khi Viện Tiêu chuẩn và Công nghệ quốc gia (Bộ KH&CN) có thông báo cho biết từ ngày 01/01/2023 các sản phẩm của dòng thép series 200 (bao gồm thép không gỉ mác 201-GD1 và 201-GD2) sẽ được thêm vào Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) đối với thép không gỉ làm đồ gia dụng, DN Posco VST (Hàn Quốc) và 13 DN Việt Nam khác đã có đơn phản đối quyết định này.
Nhưng nhóm 32 DN lại cho rằng, việc Posco cho rằng sản phẩm thép GD1 và GD2 là “sản phẩm không đạt tiêu chuẩn, chất lượng thấp”; “sản phẩm có độ ăn mòn thấp, gây ảnh hưởng đến sức khoẻ người tiêu dùng” là những nhận định chủ quan và hoàn toàn thiếu cơ sở khoa học.
Ngoài ra, theo thống kê sơ bộ, tổng sản lượng thép không gỉ tiêu thụ trong nước năm 2022 là khoảng 381.000 tấn, trong đó mặt hàng thép không gỉ seri 200 có sản lượng vào khoảng 104.000 tấn, chiếm tỷ trọng khoảng 27.3% (chứ không phải chưa đến 10% như đơn của Posco.
Nhóm 32 DN còn quả quyết, nếu sản phẩm thép không gỉ seri 200 không được phép tiếp tục nhập về Việt Nam thì người chịu thiệt thòi nhất chính là người tiêu dùng và nền kinh tế của Việt Nam. Các chủng loại thép này chủ yếu được sử dụng để sản xuất các sản phẩm gia dụng như: móc treo, máng đèn, bàn, ghế, lan can cầu thang, các loại máng thức ăn gia súc, đồ gia dụng, trang thiết bị nội thất, vỏ các loại máy móc thiết bị, chi tiết phụ kiện của rất nhiều ngành hàng… nhằm thay thế cho các sản phẩm tương tự dùng bằng thép, thép mạ kẽm… với ưu điểm có tính chống ăn mòn chấp nhận được, dễ gia công, cơ tính tốt. Các sản phẩm này không gây nguy hại cho người sử dụng, có giá thành phải chăng.
Hơn nữa, nếu các chủng loại thép này không còn tồn tại trên thị trường Việt Nam, người tiêu dùng sẽ phải sử dụng sản phẩm thép khác có giá đắt hơn, thừa công năng sử dụng. Các nhà xuất khẩu của Việt Nam khi đó sẽ phải đứng ngoài sân chơi quốc tế. Nguy cơ lớn hơn nữa là các thành phẩm, sản phẩm gia dụng được sản xuất bằng loại thép này sẽ được nhập vào thị trường Việt Nam sẽ cạnh tranh hoàn toàn với sản phẩm sản xuất trong nước về giá. Điều này sẽ tổn hại đến nền sản xuất cơ khí trong nước.
Nguồn tin: Pháp luật