THỜI ĐIỂM KHÓ KHĂN NHẤT CỦA NGÀNH THÉP ĐÃ QUA?

Bà Nguyễn Thị Khánh Hiền, Giám đốc khối phân tích CTCP Chứng khoán VNDIRECT cho rằng thời điểm khó khăn của ngành thép đã qua. Tuy nhiên, khi nào ngành thép mới khởi sắc thì cần tìm hiểu các biến số nào tác động đến ngành thép.

Rất ít yếu tố tích cực trong ngắn hạn

Tại diễn đàn DInsights “Biến động TTCK: Tâm điểm ngành thép và bất động sản”,  bà Nguyễn Thị Khánh Hiền, Giám đốc khối phân tích CTCP Chứng khoán VNDIRECT cho biết trong tháng 1, nguồn cung thép thế giới tăng trở lại sau nhiều quý giảm. Điều này chứng tỏ nhiều doanh nghiệp thép trên thế giới dự báo nhu cầu sẽ tăng lên và họ tái khởi động một số nhà máy.

 Diễn đàn DInsights “Biến động TTCK: Tâm điểm ngành thép và bất động sản”. Ảnh: H.Mĩ

Biên lợi nhuận ngành thép Trung Quốc bắt đầu tạo đáy. Ở thị trường trong nước, hàng tồn kho giá cao của các doanh nghiệp thép giảm mạnh vào cuối quý IV.

“Có thể nói, thời điểm khó khăn của ngành thép đã qua. Tuy nhiên, khi nào ngành thép mới khởi sắc thì cần tìm hiểu các biến số nào tác động đến ngành thép”, bà Hiền nói.

Hiện tại 60% sản lượng thép dùng cho mảng xây dựng dân dụng trong nước và điều này liên quan mật thiết đến thị trường bất động sản. Tuy nhiên, thị trường bất động sản được dự báo tiếp tục khó khăn trong thời gian tới, ảnh hưởng đến mức tiêu thụ thép.

 Số liệu: Hiệp hội Thép Việt Nam, VNDirect (H.Mĩ tổng hợp)

Đối với mảng xuất khẩu , thị trường ASEAN – tiêu thụ khoảng 10% tổng lượng thép cả nước, trong năm năm 2023 ngoại trừ Indonesia là điểm sáng, các nước như Thái Lan hay Singapore đều chứng kiến hoạt động xây dựng bị chậm lại. Do đó, nhu cầu tiêu thụ thép của khu vực ASEAN dự kiến tăng trưởng chậm hoặc đi ngang.

Với khu vực Châu Âu, Mỹ (tiêu thụ 3% tổng lượng thép), phần sản xuất công nghiệp chưa có dấu hiệu khả quan do đó nhu cầu khó có mức độ tăng mạnh, nhất là khi Fed có thể tăng lãi suất ít nhất thêm 2 lần nữa trong 6 tháng đầu năm.

Tuy nhiên, ngành thép vẫn còn cứu cánh đến từ việc đẩy mạnh đầu tư công từ Chính phủ (chiếm 18% nguồn cung thép), trong đó dự án sân bay Long Thành góp phần giảm bợt sự sụt giảm trong nhu cầu của ngành thép.

“Chúng tôi dự kiến hoạt động giải ngân vốn đầu tư công  trong năm 2023 sẽ tăng 20 – 25% bao gồm cả việc sân bay Long Thành xây dựng đúng tiến độ”, bà Hiền nói.

Bà nói thêm nhìn chung các yếu tố tích cực đối với thị trường thép trong ngắn hạn gần như là không có: “Chúng tôi dự báo nhu cầu tiêu thụ thép trong nước giảm khoảng 9% trong năm 2023. Hầu hết các tổ chức dự báo giá thép  giảm 3% so với năm 2022. Tuy nhiên, về lâu dài nhu cầu tiêu thụ thép Trung Quốc đối với các dự án đầu tư công sẽ hỗ trợ cho giá thép và giúp biên lợi nhuận ngành tìm đến điểm cân bằng”, bà Hiền nói.

Những biến số tác động đến lợi nhuận doanh nghiệp thép

Những biến số được đánh giá là sẽ tác động đến triển vọng doanh nghiệp bất động sản như các dấu hiệu tích cực từ việc tháo gỡ vướng mắc pháp lý của các dự án bất động sản; tiến trình giải ngân vốn đầu tư công trong nước được đẩy mạnh; thị trường xuất khẩu thép sang EU và Mỹ; biến động giá nguyên vật liệu; giá thép đầu ra; biến động tỷ giá và lãi suất.

Bà Hiền cho rằng những doanh nghiệp đầu ngành có thị phần lớn sẽ phục hồi nhanh hơn nhờ lợi thế thương hiệu và năng lực phân phối. Bên cạnh đó, khả năng quản trị tồn kho cũng là yếu tố tiên quyết giúp doanh nghiệp tăng sức chống chịu và khả năng phục hồi cao hơn khi giá thép quay đầu.

“Ngành thép là ngành hiếm hoi có tăng trưởng dương về lợi nhuận trong năm 2023 nhờ nền thấp của năm 2022. Tuy nhiên, xét yếu tố tích cực trong ngắn hạn rất ít nên rủi ro nhiều hơn. Do vậy, cần nhìn nhận mô hình kinh doanh của từng doanh nghiệp thế nào, có đáp ứng được thay đổi và rủi ro ở hiện tại hay không.

Chẳng hạn như thị trường xuất khẩu gặp khó. Tuy nhiên, có một vài điểm sáng như Mỹ tốt hơn EU, Indonesia tốt hơn Thái Lan. Do đó, những doanh nghiệp nào có thể chuyển đổi thị trường tốt hơn sẽ có lợi thế”, bà Hiền cho biết.

TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cho rằng ngành thép đối diện 4 yếu tố khó khăn.

Thứ nhất, chi phí tài chính cao do lãi suất vẫn neo mức cao. Thứ hai, nhiều doanh nghiệp đang gặp thách thức khi ngành thép phải chuyển đổi, tăng hàm lượng xanh khi xuất khẩu sang Mỹ, EU… Thứ ba, chi phí sản sản xuất cao khi điện tăng. Cuối cùng là rủi ro từ chính sách phỏng vệ thương mại của các nước.

Tuy nhiên, ở chiều ngược lại ngành cũng có nhiều điểm thuận lợi như giá thép bắt đầu nhích lên, Trung Quốc mở cửa trở lại và chính phủ tăng cường đầu tư công.

Nguồn tin: Vietnambiz