THỊ TRƯỜNG THÉP KHỞI SẮC

Ngành thép Việt Nam đã có nhiều điểm sáng tích cực trong mùa xây dựng cuối năm. Tuy nhiên, thị trường ngành này nói riêng đang có nhiều biến động phức tạp, khó lường.

Kinh doanh phục hồi

Theo số liệu của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), trong tháng 11/2023, sản xuất thép thành phẩm đạt gần 2,5 triệu tấn, tăng 34,3% so với cùng kỳ 2022. Bán hàng thép các loại đạt hơn 2,5 triệu tấn, tăng 30,1% so với cùng kỳ 2022. Tính chung 10 tháng năm 2023, Việt Nam đã xuất khẩu khoảng 9,137 triệu tấn thép, tăng 30,74% so với cùng kỳ năm trước. Giá trị xuất khẩu đạt 6,95 tỷ USD, ngang mức cùng kỳ năm 2022. Thị trường xuất khẩu của thép Việt chủ yếu là khu vực ASEAN (31,46%), EU (24,12%), Mỹ (9,13%), Ấn Độ (8,03%) và Đài Loan (3,44%).

Mùa xây dựng cuối năm, ngành thép đã có sự phục hồi tích cực. Ảnh: Hải Linh

Mùa xây dựng cuối năm, ngành thép đã có sự phục hồi tích cực. Ảnh: Hải Linh

Về nhập khẩu, tính chung 10 tháng năm 2023, nhập khẩu thép thành phẩm các loại về Việt Nam khoảng 10,61 triệu tấn với trị giá hơn 8,491 tỷ USD, tăng 8,61% về lượng nhưng giảm 17,56% về giá trị so với cùng kỳ 2022. “Kinh tế Việt Nam có những điểm sáng tích cực trong 11 tháng năm 2023 như tăng trưởng được thúc đẩy, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm” – đại diện VSA cho hay.

Khảo sát một số đại lý thép tại đường Tam Trinh (quận Hoàng Mai), Kim Ngưu (quận Hai Bà Trưng), Dịch Vọng Hậu (quận Cầu Giấy), ở thời điểm hiện tại, giá cả đều được giữ bình ổn. Cụ thể, giá thép cuộn CB240 khu vực miền Bắc dao động từ mức 13.400 – 13.750 đồng/kg; thép thanh vằn D10 CB300 từ 13.600 – 14.150 đồng/kg và có thể tăng tiếp những tuần tiếp theo.

Anh Phan Anh – chủ một đại lý thép ở Dịch Vọng Hậu (quận Cầu Giấy) cho hay, trong tháng 11 đã có 2 lần điều chỉnh giá do giá phôi thép và nguyên vật liệu đều tăng, khiến giá thành sản phẩm tăng theo, hiện chưa có dấu hiệu dừng. “Thị trường khó có thể nói trước được điều gì nhưng có khả sẽ năng “tăng nóng” như năm ngoái, tới gần 20.000 đồng/kg. Nếu giá tăng như vậy, bản thân các đại lý cần phải xem xét nhu cầu, bởi vì nhập hàng liên tục mà lượng bán ra không nhiều sẽ khó còn vốn kinh doanh” – anh Phan Anh chia sẻ.

Xây dựng chiến lược sản xuất, kinh doanh phù hợp

Đại diện Công ty CP Chứng khoán VPBank (VPBankS) kỳ vọng, thị trường thép sẽ phục hồi tốt hơn với động lực chủ yếu đến từ việc giá thép bắt đầu tăng trở lại. Ngoài ra, nguồn cung bất động sản trong nước hồi phục và đầu tư công được đẩy mạnh cũng là động lực lớn giúp cải thiện nhu cầu thép trong thời gian tới.

Còn theo Tổng Công ty Thép Việt Nam (VNSteel), các động lực tăng trưởng chính của nhu cầu thép Việt Nam năm 2024 phụ thuộc vào triển vọng được cải thiện của thị trường bất động sản trong nước và sự cải thiện của các thị trường xuất khẩu lớn.

Ngành thép Việt Nam hoàn toàn có thể kỳ vọng vào thị trường bất động sản nội địa sẽ được hồi phục từ năm 2024 khi nút thắt áp lực tài chính được cởi bỏ, lãi suất được giảm bớt, các ngân hàng tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn thuận lợi hơn cũng như kích cầu người mua nhà. Điều này dẫn tới nhu cầu thép Việt Nam sẽ phục hồi trở lại. Trong khi đó, nhóm phân tích của Công ty TNHH Chứng khoán ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS) nhìn nhận, mặc dù kết quả kinh doanh đã tạo đáy, tuy nhiên quá trình phục hồi đang diễn ra rất chậm và còn nhiều thách thức phía trước.

Công ty thép Hòa Phát vẫn duy trì là nhà sản xuất thép hiếm hoi trong ngành tại Việt Nam trở lại có lãi sau những quý kinh doanh kém khả quan. Các DN sản xuất khác trong ngành đang trong giai đoạn cắt giảm nhân sự, thanh lý tài sản hay bán cổ phần cho đối tác nước ngoài để có nguồn vốn duy trì hoạt động kinh doanh.

VCBS nhận định, giá thép ở mức 13,5 triệu đồng/tấn (giá thép thanh thấp nhất của Hòa Phát) đã là mức đáy do ở mức giá này các DN sản xuất bằng công nghệ lò điện EAF duy trì mức biên lợi nhuận gộp hòa vốn hoặc lỗ. Ngoài ra, giá thép thanh trong nước hiện tại đã thấp ngang với giá Trung Quốc nhập khẩu nên việc giảm giá là không nhiều. Tuy nhiên, chu kỳ giá thép sẽ có biến động tương quan với giá thép Trung Quốc.

“Giai đoạn vừa qua giá thép có sự hồi phục chủ yếu do những kỳ vọng ngắn hạn từ các gói chính sách của chính phủ Trung Quốc và giá đầu vào tăng cao. VCBS kỳ vọng giá thép thanh duy trì ở mức 14 – 15 triệu đồng/tấn cho đến hết nửa đầu năm 2024 trước khi có những sóng tăng giá sau đó” – nhóm phân tích VCBS dự báo.

Các chuyên gia nhận định, theo chu kỳ vào thời điểm cuối năm, những dự án đầu tư công đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện công trình xây dựng để nghiệm thu, hoàn thiện năm tài khóa và DN bất động sản cũng phải bàn giao sản phẩm cho người dân đón Tết Nguyên đán nên đây là thời điểm thị trường có mức tiêu thụ mạnh. Song ngành công nghiệp thép đang phải đương đầu với tình hình có nhiều biến động phức tạp, khó lường, đòi hỏi DN phải có kế hoạch sản xuất kinh doanh, chiến lược phù hợp, sát với tình hình thực tế.

VCBS kỳ vọng năm 2024, đầu tư công sẽ bứt phá bởi giải ngân cho các dự án tồn đọng từ 2023 chuyển sang và gói kích thích kinh tế bổ sung của Chính phủ. Thị trường xây dựng bất động sản (chiếm 60% nhu cầu thép) đang dần được tháo gỡ khó khăn nhờ những chính sách sửa đổi. Điều này giúp cho nhu cầu tiêu thụ có thể hồi phục trong thời gian tới.

Nguồn tin: Kinh tế & Đô thị