TAY VỊN HỖ TRỢ – GIẢI PHÁP GỢI MỞ THÊM HƯỚNG TIÊU THỤ CHO NGÀNH THÉP

Mặc dù giai đoạn khó khăn nhất đã qua, nhưng hiện ngành thép vẫn đang chờ đợi các giải pháp thúc đẩy đầu tư công và sự hồi phục của thị trường bất động sản.

Theo số liệu của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), chỉ tính riêng nửa đầu năm 2023, sản xuất thép thành phẩm đạt 13,103 triệu tấn, giảm hơn 1/5 so cùng kỳ năm 2022. Tiêu thụ thép thành phẩm đạt 12,481 triệu tấn, giảm 17,5% so với cùng kỳ năm 2022.

Nguyên nhân cả sản xuất và tiêu thụ thép sụt giảm, ngoài nhu cầu tiêu thụ chậm còn do thép trong nước phải cạnh tranh với thép giá rẻ nhập khẩu từ Trung Quốc.

Trong bối cảnh khó khăn chung, các doanh nghiệp ngành thép đã chủ động thực hiện nhiều biện pháp nhằm kích cầu thị trường; Hiệp hội Thép Việt Nam cũng đã kiến nghị Bộ Tài chính điều chỉnh thuế giá trị gia tăng (VAT) cho các sản phẩm thép từ 10% xuống 8%.

Các chuyên gia kinh tế cũng nêu kiến nghị, những khó khăn trong việc tiêu thụ thép hiện nay không chỉ xảy ra đối với Việt Nam mà là khó khăn chung của cả nền kinh tế thế giới với sự tiếp tục đi xuống của thị trường toàn cầu và vẫn chưa có dấu hiệu hồi phục. Do vậy, Nhà nước cần có những chính sách phù hợp nhằm kích cầu thị trường tạo điều kiện cho thị trường thép trong nước dần hồi phục trở lại như đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, triển khai các dự án nhà ở giá rẻ, nhà ở cho người có thu nhập thấp.

Từ câu chuyện trên, có thể thấy “sự giải cứu” của ngành thép sẽ đến từ 2 nhân tố chính: Các địa phương sẽ tăng tốc giải ngân đầu tư công và sự hồi phục của thị trường bất động sản.

Nhưng xin dẫn ví dụ về grab bar – tay vịn hỗ trợ để các nhà quản lý và doanh nghiệp sản xuất thép tham khảo thêm một hướng kích cầu tiêu thụ.

Tại các công trình dân dụng và công cộng của nhiều nước trên thế giới, bên cạnh các yêu cầu bắt buộc về tiện ích cho người khuyết tật, yếu thế như cửa trượt, rampa (lối lên xuống được thiết có độ dốc thoai thoải, tiện lợi)… thì tất cả những vị trí có bậc thang lên xuống đều lắp đặt grab bar – nghĩa là thanh vịn hỗ trợ đa phần bằng kim loại. Nếu ở ngoài trời thì bằng gang hoặc thép không gỉ. Những tay vịn này được thiết kế đơn giản, cứng cáp, dễ cầm nắm với công năng hỗ trợ rất cao, bảo vệ an toàn cho tất cả mọi người, đặc biệt là người khuyết tật, phụ nữ mang thai, người già và trẻ em khi di chuyển lên xuống các bậc cầu thang.

Theo cách lý giải vui, người Âu-Mỹ có thể tạng to lớn, trong khi phần thân dưới tương đối yếu nên họ rất sợ các cú trượt ngã, đặc biệt ở các bậc cầu thang, lối dốc, nhà vệ sinh hay nhà tắm nên tay vịn hỗ trợ ra đời để giảm tải cho các bệnh viện.

Nhưng thực tế, bên cạnh ý nghĩa nhân văn, việc lắp đặt tay vịn hỗ trợ này đều được luật hóa, nghĩa là tất cả các công trình, bên cạnh tuân thủ đầy đủ các tiêu chuẩn thông thường khác thì việc có grab bar là điều bắt buộc.

Do vậy, khi có sự cố xảy ra, nếu người gặp tai nạn khởi kiện và bên thi công sẽ bị xử phạt tùy theo mức độ thiệt hại của nguyên đơn.

Một số ví dụ về việc thiết kế lối vào dễ tiếp cận, bên cạnh các tính năng như cửa trượt tự động, rampa thì không thể thiếu tay vịn hỗ trợ bằng thép.

Ở Việt Nam, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chính sách quan tâm, chăm lo cho nhóm người yếu thế, khuyết tật; đặc biệt là khả năng tiếp cận, sử dụng giao thông, các công trình công cộng được quy định tại Luật Người khuyết tật năm 2010; Quyết định số 1190/QĐ-TTg năm 2020 về phê duyệt Chương trình trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2021-2030; Thông tư số 39/2012/TT-BGTVT… Bộ Giao thông vận tải cũng ban hành những quy chuẩn kỹ thuật Việt Nam có các hạng mục liên quan đến điều kiện người khuyết tật tiếp cận sử dụng. Các luật chuyên ngành, nghị định, thông tư hướng dẫn trong các lĩnh vực đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng không, hàng hải cũng lồng ghép các điều khoản đảm bảo phát triển giao thông tiếp cận để hỗ trợ những đối tượng yếu thế như người khuyết tật, người cao tuổi,…

Nhưng thực tế việc triển khai còn rất nhiều hạn chế. Tại các đô thị hay các điểm du lịch, rất dễ thấy có những tòa nhà, trụ sở, công trình có lối lên xuống cao tới hàng chục bậc thang hoàn toàn không lắp đặt tay vịn, hộ lan. Phần hộ lan nếu có thường bằng các chất liệu có tính chất trang trí nhiều hơn là công năng hỗ trợ. Người khuyết tật, phụ nữ mang thai, người già yếu khó hoặc không thể tiếp cận đã đành mà ngay cả những người khỏe mạnh cũng phải rất cẩn thận trong những ngày thời tiết xấu, trơn trượt.

Nên chăng chúng ta có thể áp dụng quy định các công trình cả công cộng và tư nhân nên lắp đặt hệ thống grab bar – tay vịn hỗ trợ. Trước mắt là khuyến khích, kêu gọi trong khi từng bước luật hóa trở thành bắt buộc. Chỉ hình dung lượng thép tiêu thụ cho hạng mục này trên cả nước đã là một con số đáng kể đối với ngành thép hiện tại và những năm tới. Về mặt môi trường, thép cũng là vật liệu có thể tái chế khi hết niên hạn sử dụng.

Vấn đề nằm ở chỗ, cần thay đổi nhiều hơn về nhận thức để có sự chung tay của cộng đồng, đặc biệt là các chủ công trình. Một doanh nghiệp khách sạn ở Hà Nội đã từng được góp ý về việc nên có tay vịn hỗ trợ để giúp khách an toàn khi lên xuống hàng chục bậc thềm tầng trệt của khách sạn đã trả lời: “Đâu cần phải tốn kém vậy. Bất cứ lúc nào chúng tôi cũng có nhân viên hỗ trợ nếu khách có nhu cầu“.

Về phía doanh nghiệp, cũng cần sớm nghiên cứu để thiết kế, xây dựng các dây chuyền sản xuất phục vụ nhu cầu này của xã hội.

Tất nhiên, giải pháp về grab-bar có thể chỉ phát huy tác dụng trong ngắn hạn và cũng chỉ chiếm một khối lượng nhỏ trong tổng thể nguồn tiêu thụ thép nếu so với xây dựng – bất động sản, các công trình lớn, đường sắt, các ngành công nghiệp…

Nhưng từ một vấn đề nhân văn nếu khuyến khích áp dụng, dần trở thành ý thức chung của cộng đồng, để sau một thời gian được luật hóa có thể giúp kích cầu cho một ngành sản xuất và tạo thêm việc làm cho nhiều người. Khi đầu tư công được đẩy mạnh, thị trường bất động sản phục hồi cộng hưởng với những biện pháp kích cầu như ý tưởng kể trên sẽ mang lại hiệu quả rất lớn, không chỉ riêng ngành thép.

Hành trình nào, dù dài đến mấy cũng khởi đầu bằng những bước nhỏ.

Nguồn tin: Công thương