SAU CĂNG THẲNG NGA – UKRAINE: GIÁ VẬT LIỆU XÂY DỰNG TĂNG NHƯ LÊN ĐỒNG

Căng thẳng giữa Ukraine và Nga đã tác động đến kinh tế toàn cầu. Theo đó, giá cả hàng hóa tăng phi mã.

Theo Công ty chứng khoán Vietcombank (VCBS), xung đột giữa Ukraine và Nga có thể làm gián đoạn nguồn cung ứng thép trên thế giới, dẫn tới thiếu hụt nguồn cung và làm tăng giá thép.

Hiện, Nga là nước xuất khẩu thép lớn trên thế giới, đặc biệt tại thị trường Châu Âu khi chiếm 15% thị phần xuất khẩu vào EU. Nga cùng hai nước có liên quan là Ukraine và Belarus thì tổng xuất khẩu thép của 3 nước này vào EU chiếm 38%.

Khi thế giới bắt đầu triển khai các biện pháp trừng phạt Nga sẽ dẫn tới việc thiếu hụt mạnh nguồn cung trong khi nhu cầu thép vẫn đang hồi phục nhanh trong 2022 sau đại dịch COVID-19.

Tính từ đầu tháng 3 đến nay, giá thép trong nước đã có 4 lần tăng liên tiếp ở mức 1,8-2,2 triệu đồng/tấn, tùy thương hiệu, đưa giá thép tại một số doanh nghiệp vượt 19 triệu đồng/tấn.

Trong đợt điều chỉnh ngày 10/3, thép Thái Nguyên có mức tăng mạnh nhất với 810.000 đồng/tấn đối với cả hai dòng thép xây dựng chính. Thép cuộn CB240 có giá mới là 18,9 triệu đồng/tấn, còn thép thanh vằn D10 CB300 có giá 19,08 triệu đồng đồng/tấn, theo số liệu của Steelonline. Tương tự với thương hiệp thép Pomina. Dòng thép cuộn CB240 tăng 600.000 đồng/tấn, lên mức 18,8 triệu đồng/tấn; còn thép thanh vằn D10 CB300 tăng 610.000 đồng/tấn, hiện có giá 19,08 triệu đồng/tấn. Còn thương hiệu thép Hòa Phát điều chỉnh tăng thêm 600 đồng/tấn đối với cả hai dòng thép cuộn CB240 và thép thanh vằn D10 CB300 tại cả ba miền Bắc, Trung, Nam.

Như vậy, sau đợt tăng này, giá thép xây dựng của nhiều thương hiệu đã phá đỉnh năm 2021 và thiết lập kỷ lục mới. Trước đó, năm 2021 có thời điểm giá thép xây dựng của Hòa Phát đạt khoảng 18 triệu đồng/tấn. Ngoài động lực từ xuất khẩu như năm 2021, giá thép xây dựng cũng đang được hỗ trợ bởi đầu tư công và giá nguyên liệu.

Ngày 16/3, các doanh nghiệp tiếp tục thông báo điều chỉnh tăng giá thép xây dựng. Đây là đợt tăng thứ 4 trong tháng 3 và đợt tăng thứ 7 kể từ đầu năm đến nay, theo số liệu của Steel Online.

Hiện, thép của thương hiệu Pomina có mức giá cao nhất. Tại miền Trung, với dòng thép cuộn CB240 tăng 510.000 đồng/tấn, lên mức 19,3 triệu đồng/tấn; còn thép thanh vằn D10 CB300 tăng 500.000 đồng/tấn, hiện có giá 19,5 triệu đồng/tấn.

Tại miền nam, Pomina cũng tăng 1,4 triệu đồng/tấn đối với dòng thép cuộn CB240, D10 CB300 lên mức 19,4 triệu đồng/tấn và 19,6 triệu đồng/tấn.

Hiện giá của dầu, khí, than đang tăng rất nhanh và gần như quay lại mức đỉnh cũ lập ra trong năm 2021. Đây cũng là yếu tố thúc đẩy giá thép tăng mạnh kể từ cuối tháng 2 đến nay.

Ở một khía cạnh khác, Hiệp hội Thép Việt Nam cho rằng các dự án đầu tư công giai đoạn 2021 -2025 cũng là một yếu tố quan trọng tạo động lực cho giá thép.

Cụ thể, kế hoạch đầu tư công trung hạn được Quốc hội thông qua với tổng vốn đầu tư lên tới 2,8 triệu tỷ đồng, tăng 43,5% so với kế hoạch giai đoạn 2016-2020.

Các dự án giao thông chiếm tỷ trọng lớn nhất khi tổng chi cho các dự án giao thông đạt hơn 570.000 tỷ đồng, tương đương 42,3% ngân sách trung ương.

Sau căng thẳng Nga – Ukraine: Giá vật liệu xây dựng tăng như lên đồng - 1

Giá thép tăng phi mã

Không chỉ thép, các mặt hàng như xi măng, nhôm kính, gỗ, nhựa đến thạch cao, điện đèn, gạch, thiết bị vệ sinh… đều tăng từ 10-25% tùy nhóm hàng. Thậm chí, một số nguyên vật liệu dù đã đặt hàng nhưng chưa thanh toán trước cũng bị hủy ngang vì thiếu hụt nguồn cung.

Ước tính tổng chi phí để xây dựng một căn nhà hiện tăng bình quân 15% so với hồi cuối năm.

Nguồn tin: 24h