Thị trường thép được dự báo phục hồi mạnh trong quý III và IV nhờ các yếu tố về tăng cường đầu tư công, gói vay tín dụng cho các dự án nhà ở xã hội và tình hình kinh tế Việt Nam tích cực hơn so với mặt bằng chung thế giới.
Chia sẻ tại Hội thảo Triển vọng thị trường thép Trung Quốc – Việt Nam, ông Đoàn Danh Tuấn – Phó chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) kiêm Chủ tịch hội đồng thành viên Công ty TNHH TM Thép Toàn Thắng nhận tịnh tiêu thụ thép trong quý III và quý IV sẽ tăng trưởng mạnh vào quý III và IV nhờ loạt yếu tố về giải ngân vốn đầu tư công và chính sách thúc đẩy nhà ở xã hội.
Cụ thể, Quốc hội đã thông qua gói hỗ trọ phục hồi kinh tế trị giá 350.000 tỷ đồng cho giai đoạn 2022 – 2023, trong đó dành 113.840 tỷ đồng cho phát triển hạ tầng, tập trung vào các dự bán trọng điểm như cao tốc Bắc – Nam, sân bay Long Thành, các cảng Logistics lớn. Điều này kéo theo nhu cầu tiêu thụ thép tăng cao.
Ngoài ra, trong tháng 2, Chính phủ đã phê duyệt gói tín dụng 120.000 tỷ đồng nhằm phát triển các dự án nhà ở xã hội.
“Những yếu tố này dẫn tới tiêu thụ thép trong quý III và quý IV năm nay có thể tăng trưởng mạnh”, ông Tuấn nhận định.
Ngoài ra, theo ông tình hình kinh tế Việt Nam được dự báo tích cực hơn so với thế giới cũng là yếu tố hỗ trợ giá thép trong thời gian tới. Theo đó, năm 2023 với những dự báo còn nhiều khó khăn và thách thức nhưng kinh tế Việt Nam vẫn được đánh giá là còn nhiều tiềm năng phát triển. Tăng trưởng GDP dự kiến đạt 6,47% – 6,83%. Trong khi đó, dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu chỉ khoảng 1,5%, Mỹ thậm chí thấp hơn, khoảng 0,5%; còn với các nước Đông Nam Á trung bình khoảng 5%.
Về dài hạn, ông Tuấn cho cho rằng nhu cầu thép của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng. Hiện mức tiêu thụ khoảng 240 kg/đầu người và sẽ tăng lên 290 kg/đầu người vào năm 2030. Nhu cầu thép sẽ tập trung nhiều vào hợp kim hoặc thép chất lượng cao.
Theo VSA, tình hình tiêu thụ thép thô mặc dù vẫn giảm trong những tháng đầu năm nhưng thị trường bắt đầu dần cải thiện. Sản lượng thép thô trong 2 tháng đầu năm giảm 22% so với cùng kỳ xuống 2,9 triệu tấn và tiêu thụ giảm 10% xuống 3,1 triệu tấn.
Trước những khó khăn của thị trường chung khi giá nguyên liệu sản xuất thép tăng cao dẫn đến chi phí sản xuất tăng, giá phôi thép tăng nhẹ và nhu cầu của các nhà máy cũng cải thiện hơn. Bước sang đầu tháng 3, thị trường ghi nhận mức giá chào phôi tăng lên và hiện chững lại. Tuy nhiên, lượng giao dịch trên thị trường vẫn sôi động so với những tuần trước đó.
Mặc dù vậy, tình hình tiêu thụ một số thép thành phẩm không được như kỳ vọng vào mùa xây dựng sau Tết do thị trường bất động sản trì trệ cùng hệ thống ngân hàng siết chặt tín dụng nên tiêu thụ thép xây dựng ở mức thấp. Bán hàng thép xây trong 2 tháng đầu năm đạt 1,7 triệu tấn giảm 22,3% so với cùng kỳ. Trong đó, xuất khẩu giảm 34,5% xuống 262.000 tấn, giảm 34,5% so với cùng kỳ năm 2022.
Bán hàng thép xây dựng giai đoạn 2020 – 2023 (Đơn vị: tấn, nguồn: VSA)
Hầu hết thương hiệu thông báo tăng giá bán thép xây dựng ở khu vực miền Nam khi bước sang tuần thứ hai của tháng 3. VSA cho rằng nhiều khả năng sắp tới thị trường phía Bắc cũng sẽ điều chỉnh tăng nhằm bù lại giá thành sản xuất và giảm lỗ.
Sau điều chỉnh, giá bán thép xây dựng hiện nay tại thị trường miền Nam tăng 5 – 6% so với cuối năm 2022. Trong khi đó, theo thống kê giá của S&P Global, giá thép xây dựng tại hầu hết khu vực trên thế giới tăng bình quân khoảng 11% so với tháng 12/2022, gia thép cây nội địa Trung Quốc tăng 9,6%.
VSA nhận định các bước tăng giá thép xây dựng nội địa Việt Nam tương đối khiêm tốn và thận trọng so với thế giới.
Nguồn tin: Vietnambiz