Hai doanh nghiệp lớn của ngành là Hoà Phát và Hoa Sen tiếp tục hồi phục lợi nhuận so với hai quý đầu năm. Trái lại, bức tranh lợi nhuận u ám tiếp tục bao phủ lên VNSteel, Pomina, SMC.
Nhìn chung nhu cầu thị trường với các mặt hàng thép trong nước nói chung vẫn yếu, chưa có cải thiện nhiều. Bất động sản đóng băng, thị trường dân dụng sức mua yếu, giải ngân đầu tư công chưa thực sự tích cực trong bối cảnh kinh tế tăng trưởng chậm nên nhu cầu thép trong nước giảm sút đáng kể.
Tình hình sản xuất và bán hàng các sản phẩm thép trong quý III đều tăng 5-6% so với các quý trước đó.
Bên cạnh đó, giá thép liên tục giảm và duy trì ở vùng thấp do ảnh hưởng tiêu cực bởi nền kinh tế Trung Quốc cũng như tiêu thụ thép toàn cầu suy yếu. Trong khi đó, lạm phát, lãi suất, tỷ giá vẫn ở mức cao làm cho hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp ngành thép gặp nhiều khó khăn.
Giá bán thép xây dựng nội địa điều chỉnh giảm khoảng 12 – 14 lần kể từ tháng 3 đến trung tuần tháng 9. Giá trung bình trong quý III ở mức 14 triệu đồng/tấn, thấp hơn so với mức 16,5 triệu đồng/tấn cùng kỳ năm ngoái.
Doanh thu của ông lớn số 1 thị phần thép xây dựng và ống thép là Tập đoàn Hoà Phát (Mã: HPG) suy giảm quý thứ 5 liên tiếp. Quý III, Hoà Phát ghi nhận 28.484 tỷ doanh thu thuần, giảm 16% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đứng thị hai thị phần thép xây dựng trên thị trường là Tổng Công ty Thép Việt Nam – CTCP (VNSteel – Mã: TVN) cũng có quý thứ 6 liên tiếp doanh thu suy giảm so với cùng kỳ.
CTCP Thép Pomina (Mã: POM) ghi nhận doanh thu giảm sâu nhất trong ngành với mức giảm 83% còn 503 tỷ. Nguyên nhân là doanh thu thép tiêu thụ nội địa giảm hơn 90% còn 227 tỷ trong quý III. Nguồn thu từ xuất khẩu giảm 35% còn 219 tỷ.
Ở nhóm tôn mạ, doanh thu của Tập đoàn Hoa Sen (Mã: HSG) hồi phục trong quý III sau 5 quý suy giảm. Trái lại, CTCP Tôn Đông Á (Mã: GDA), CTCP Thép Nam Kim (Mã: NKG) vẫn kéo dài chuỗi tăng trưởng âm.
Nguồn: Hoàng Kiều tổng hợp từ báo cáo tài chính.
Quý III năm ngoái có thể nói là một quý khủng hoảng của doanh nghiệp thép khi nhu cầu suy yếu ở cả trong nước và thế giới, giá nguyên vật liệu đặc biệt là giá than cao gấp ba lần so với bình thường. Ngoài ra, tín dụng thắt chặt, tỷ giá và lãi suất tăng mạnh đã bào mòn lợi nhuận của doanh nghiệp. Hoà Phát, Hoa Sen hay các đơn vị nhỏ hơn đều thua lỗ.
Quý III năm nay, Hoà Phát và Hoa Sen tiếp đà hồi phục. Trong đó, Hoà Phát lãi ròng 2.005 tỷ, cùng kỳ lỗ 1.774 tỷ. Con số lợi nhuận này vẫn ở mức rất thấp so với giai đoạn trước của Hoà Phát song đã cải thiện so với hai quý đầu năm. Sự phục hồi lợi nhuận của Hoà Phát được thúc đẩy nhờ sản lượng tiêu thụ cải thiện, chi phí nguyên vật liệu đầu vào giảm và việc quản lý hàng tồn kho tốt hơn.
Tương tự, doanh thu tăng, biên lãi gộp cải thiện trong khi các chi phí tiết giảm giúp Hoa Sen báo lãi ròng 438 tỷ quý vừa qua.
Thép Nam Kim hay Tôn Đông Á dù báo lãi nhưng lợi nhuận vẫn ở mức thấp. Trái lại, VNSteel, Pomina và Thép SMC tiếp tục lỗ trên trăm tỷ quý III.
Doanh thu của VNSteel chỉ giảm 7% song hụt thu từ hoạt động tài chính, lỗ trên trăm tỷ từ các đơn vị liên doanh, liên kết trong khi các chi phí giảm không đáng kể khiến doanh nghiệp lỗ ròng 115 tỷ, tuy nhiên đã giảm so với mức lỗ 535 cùng kỳ.
Nguồn: Hoàng Kiều tổng hợp từ báo cáo tài chính.
Kinh doanh dưới giá vốn cộng thêm các chi phí khiến SMC và Pomina nối dài chuỗi thua lỗ. Trong đó, Pomina lỗ quý 6 liên tiếp, còn SMC lỗ quý thứ hai. Quý III/2022, ngoài Hoà Phát, các đơn vị còn lại đều kinh doanh dưới giá vốn. Quý III năm nay, cả Hoà Phát và Hoa Sen đều ghi nhận biên lãi gộp cải thiện so với quý II.
Quý III, giá HRC Việt Nam được giữ tương đối ổn định ở mức 570 USD/tấn hỗ trợ tỷ suất lợi nhuận gộp cho Hoa Sen. Còn biên lợi nhuận Hoà Phát được cải thiện nhờ sản lượng tiêu thụ tăng 11,3% và giá than cốc giảm hơn 20% so với quý II.
Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo tài chính hợp nhất.
Giá thép xây dựng có thể đã chạm đáy
Dự báo nhu cầu thép trong quý cuối năm, trong báo cáo mới đây SSI Reseach cho rằng ngành hàng này có thể phục hồi nhẹ, và lực hồi sẽ mạnh hơn trong năm 2024. Nhu cầu trong quý IV sẽ phục hồi từ mức thấp trong quý III, nhưng không đáng kể do thị trường bất động sản chưa khởi sắc.
Mặt khác, kênh xuất khẩu có thể vẫn ổn định trong năm tới. Theo báo cáo gần đây của Hiệp hội Thép Thế giới, nhu cầu thép tại các thị trường xuất khẩu trọng điểm của Hoà Phát (như Mỹ, châu Âu và ASEAN) dự kiến sẽ tăng lần lượt 1,6%, 5,8% và 5,2% trong năm 2024, cải thiện từ mức -1,1% , -5,1% và 3,8% trong năm 2023.
SSI Research nhận định giá thép xây dựng có thể đã chạm đáy do nguồn cung Trung Quốc giảm. Giá thép tiếp tục giảm trong quý III do nhu cầu trong nước và khu vực yếu.
Theo Hiệp hội Sắt thép Trung Quốc (CISA), mức tiêu thụ thép tại Trung Quốc đã giảm 1,5% so với cùng kỳ trong 9 tháng đầu năm 2023.
Song giá thép khu vực đã điều chỉnh trong 2,5 năm qua kể từ mức đỉnh đầu năm 2021. Biên lợi nhuận của nhiều nhà sản xuất Trung Quốc cũng giảm xuống mức thấp, dẫn đến sản lượng thép Trung Quốc giảm trong 6 tháng qua từ mức 95,7 triệu tấn trong tháng 3 xuống 82,1 triệu tấn trong tháng 9.
Ở thị trường trong nước, biên EBITDA của các công ty trong nước đã giảm xuống mức tối thiểu. Do đó, đơn vị phân tích này cho rằng giá thép nhiều khả năng sẽ không giảm thêm nữa và có nhiều khả năng sẽ phục hồi hoặc ổn định trong thời gian ngắn.
Tuy nhiên, các chuyên gia không kỳ vọng sẽ phục hồi mạnh do nhu cầu thép của Trung Quốc dự kiến sẽ đi ngang trong năm 2024 và phụ thuộc tính hiệu quả của các biện pháp hỗ trợ của chính phủ Trung Quốc.
Nguồn: Báo cáo phân tích của SSI Research.
Biến động giá nguyên liệu làm ảnh hưởng tới biên lợi nhuận quý IV
Với Hoà Phát, SSI Research dự báo giá than (chiếm khoảng 30% nguyên liệu sản xuất thép thô) có thể thu hẹp biên lợi nhuận cốt lõi trong quý IV.
Giá than cốc đã tăng hơn 25% kể từ cuối tháng 9 và 40% kể từ đầu tháng 9 lên khoảng 350 USD/tấn do nhu cầu từ Ấn Độ tăng lên, sản lượng sản xuất của quốc gia này đã tăng 6% mỗi tháng trong hai tháng qua – đạt khoảng 104 triệu tấn trong 9 tháng đầu năm 2023 (tăng 11,6% so với cùng kỳ).
Ngoài ra, nguồn cung hạn chế từ Úc và chính sách kiểm soát an toàn tại các mỏ than trong nước của Trung Quốc (dự kiến duy trì đến cuối năm 2023) cũng dẫn đến giá than đầu vào tại Hoà Phát tăng gần đây, khiến biên lợi nhuận ở mảng hoạt động kinh doanh cốt lõi của tập đoàn quý IV giảm so với quý trước.
Trong năm 2024, đơn vị phân tích này kỳ vọng giá than cốc sẽ ổn định từ mức cao hiện tại do nguồn cung than cải thiện và nhu cầu hạ nhiệt sau mùa cao điểm nhập khẩu than luyện kim ở Ấn Độ (thường rơi vào quý IV và quý I).
Việt hoá: Hoàng Kiều.
Đồng quan điểm, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận thấy có rủi ro suy giảm với biên lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp thép sử dụng lò BOF (Hòa Phát, Pomina,…) trong quý IV, khi giá than cốc đang duy trì ở mức cao và giá thép thanh chưa thể tăng tương ứng (do nhu cầu tiêu thụ trong nước còn thấp).
Còn với nhóm tôn mạ, VDSC cho biết sang quý IV, do nhu cầu tiêu thụ yếu, giá HRC Trung Quốc có xu hướng giảm về mức thấp trong năm 2023. Tuy nhiên VDSC đánh giá rằng sự điều chỉnh này mang tính ngắn hạn, do tại mức giá này các nhà sản xuất thép đang lỗ xấp xỉ 50 USD/tấn và sẽ có xu hướng cắt giảm sản lượng và giảm nguồn cung trên thị trường (theo Mysteel).
Qua đó, giá HRC Việt Nam sẽ chỉ chịu áp lực giảm giá ngắn hạn và kỳ vọng có thể duy trì mức giá trung bình đạt 570 USD/tấn, bớt ảnh hưởng tiêu cực tới kết quả kinh doanh của các công ty tôn mạ trong quý này.
Nguồn: VDSC.
Nguồn tin: Vietnambiz