Từ “ứng cử viên” sáng giá của câu lạc bộ xuất khẩu trên 10 tỷ USD, ngành thép đang tuột dốc và lao đao vì phải đối mặt với những khó khăn, thách thức.
Ông Phạm Công Thảo – Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Thép Việt Nam cho biết: năm 2022 là năm khó khăn với ngành thép do nhiều nguyên nhân, trong đó áp lực tỷ giá cũng là một trong những nguyên nhân quan trọng ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của ngành thép.
Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Thép Phạm Công Thảo chia sẻ tại đối thoại chuyên đề về điều hành tỷ giá USD/VND (ảnh: H.L)
Tỷ giá tăng sẽ thuận lợi cho xuất khẩu. Với ngành thép, thị trường chính là thị trường trong nước, xuất khẩu chỉ chiếm một phần. Tuy nhiên, theo ông Phạm Công Thảo, nguyên liệu cho sản xuất thép phần lớn đều phải nhập khẩu, nhất là quặng sắt và thép vụn phải nhập phần lớn nên tỷ giá tăng ảnh hưởng rất nhiều đến chi phí sản xuất của doanh nghiệp. Tại những doanh nghiệp lớn của Tổng công ty Thép Việt Nam có lượng nhập khẩu lớn, chênh lệch tỷ giá tác động đến hiệu quả hoạt động, tăng thêm gần 80 chục tỷ trong năm 2022. Những đơn vị quy mô vừa nhỏ hơn có thể đến vài ba chục tỷ.
Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan thể hiện rõ điều này. Tính chung 9 tháng năm 2022, Việt Nam xuất khẩu khoảng 6,46 triệu tấn thép, giảm sâu 34,4% so với cùng kỳ năm trước; giá trị xuất khẩu đạt 6,5 tỷ USD, giảm 22,6% so với cùng kỳ năm 2021. Về nhập khẩu, lũy kế 9 tháng, nhập khẩu thép thành phẩm các loại về Việt Nam khoảng 8,93 triệu tấn với trị giá hơn 9,56 tỷ USD, giảm 8,3% về lượng nhưng lại tăng 9,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021.
Ngoài ra, khó khăn còn tăng thêm khi mà để kiềm chế tỷ giá, Việt Nam phải tăng lãi suất, ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước. Năm nay, tiêu thụ thép suy giảm khá nhiều so với năm trước, tạo áp lực rất lớn lên các doanh nghiệp thép trong nước. Trong quý 3/2022, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp ngành thép sa sút đáng kể. Trên thị trường chứng khoán, giá các cổ phiếu thép cũng giảm rất mạnh.
Nhận định những tác động tỷ giá không chỉ diễn ra trong ngắn hạn mà còn có thể là kéo dài sang năm nữa, Phó Tổng Giám đốc Phạm Công Thảo cho biết, cũng như các doanh nghiệp khác, Tổng công ty Thép Việt nam đã chuẩn bị phương án phòng tránh giảm thiểu rủi ro. Trong đó, biện pháp cơ bản nhất là Tổng công ty Thép có kế hoạch nhập khẩu rõ ràng, mua kỳ hạn để hạn chế biến động tỷ giá trong tương lai.
Ngoài ra, các doanh nghiệp cố gắng tăng cường xuất khẩu dù biết rằng để đẩy mạnh xuất khẩu trong thời điểm này là không dễ dàng. Không chỉ đồng Việt Nam mất giá so với đồng đô la Mỹ mà đồng tiền các nước khác cũng mất giá. Tuy chúng ta đang có lợi thế xuất khẩu nhưng trong bối cảnh hiện nay, các ngân hàng thế giới đều tăng lãi suất, suy thoái kinh tế, đặc biệt ở khu vực châu Âu rất cao nên nhu cầu tiêu dùng của người dân trên thế giới cũng giảm khiến cho việc xuất khẩu thép của Việt Nam bị ảnh hưởng. Song, dù sao hoạt động xuất khẩu cũng mang về ngoại tệ để chúng ta dùng nguồn này phục vụ nhập khẩu sẽ phần nào đỡ phụ thuộc vào việc mua lại ngoại tệ của các ngân hàng.
Phương án khác là Tổng công ty tìm kiếm các nguồn nguyên vật liệu khác trong nước thay thế cho nguồn nhập khẩu để giảm áp lực ngoại tệ như thu mua sắt vụn trong nước; nhập khẩu nguồn hàng ở các nước gần để giảm chi phí vận chuyển. Bất đắc dĩ cũng phải tính đến việc điều tiết sản xuất, tìm mọi biện pháp để tiết kiệm, giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành để vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Nguồn tin: Diễn đàn doanh nghiệp