NGÀNH THÉP ĐÃ QUA ‘CƠN BĨ CỰC’, NHƯNG BAO GIỜ ĐẾN ‘HỒI THÁI LAI’?

Giá thép trên đà hồi phục mang lại kỳ vọng bức tranh tài chính của các doanh nghiệp ngành thép sẽ sáng hơn.

Giá thép trên đà hồi phục

Sau khi liên tục giảm mạnh từ cuối năm 2021, giá thép thế giới đã có diễn biến hồi phục trở lại trong những tháng gần đây, nhất là giai đoạn đầu năm 2023. Cụ thể, giá thép thanh tại Trung Quốc đã tăng 20,5% kể từ mức đáy hồi cuối tháng 10 năm ngoái, lên mức 4.175 nhân dân tệ/tấn. Cùng chung xu hướng, giá thép xây dựng tại thị trường trong nước cũng tăng mạnh kể từ đầu năm.

Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), giá thép liên tục tăng thời gian qua chủ yếu do giá nhập các loại nguyên liệu đầu vào cho sản xuất thép như than, quặng sắt, thép phế, cuộn cán nóng… chưa có dấu hiệu dừng đà tăng. Đây là tín hiệu tốt cho các công ty sản xuất thép trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng.

Giá thép thế giới hồi phục một phần do Trung Quốc không còn thực hiện chiến lược zero Covid, qua đó kỳ vọng nhu cầu xây dựng sẽ quay trở lại tại quốc gia tiêu thụ thép lớn nhất thế giới này.

Với việc giá thép trên đà hồi phục, nhà đầu tư đang kỳ vọng vào việc các doanh nghiệp ngành thép sẽ được hưởng lợi nhờ tồn kho giá thấp đã được trích lập dự phòng trong giai đoạn trước đó.

Giai đoạn cuối năm 2022, do ảnh hưởng bởi giá thép thế giới liên tục lao dốc, hầu hết các doanh nghiệp ngành này đều ghi nhận tình trạng kinh doanh dưới giá vốn, phải đẩy mạnh trích lập dự phòng giảm giá tồn kho.

Tại cuộc họp đại hội đồng cổ đông thường niên 2023, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hoa Sen cho biết công ty đã hết hàng tồn kho giá cao, hiện chỉ còn hàng tồn kho giá thấp. Sau khi lỗ 680 tỉ đồng trong quí 1 niên độ tài chính 2022-2023 (1-10-2022 đến 31-12-2022), Hoa Sen dự kiến lỗ thêm hơn trăm tỉ đồng vào tháng 1-2023, đưa mức lỗ lũy kế bốn tháng đầu năm niên độ 2022-2023 lên hơn 800 tỉ đồng.

Tuy nhiên, sang tháng 2-2023, công ty đã có lãi trở lại khoảng 50 tỉ đồng, tháng 3-2023 dự kiến lãi trăm tỉ đồng. Hiện tại, hàng tồn kho của Hoa Sen đủ dùng đến tháng 5-2023 với mức giá trung bình khoảng 630 đô la Mỹ/tấn.

Trong khi đó, giá thép cán nóng (HRC) của Formosa hiện đã lên tới 680 đô la Mỹ/tấn và đơn hàng từ Trung Quốc có giá dao động quanh mức 700 đô la Mỹ/tấn. Chính vì vậy, Hoa Sen dự kiến sẽ đạt lợi nhuận tốt trong những tháng tới, bù lỗ cho bốn tháng đầu niên độ tài chính 2022-2023.

Câu chuyện của Hoa Sen có thể là câu chuyện điển hình của các doanh nghiệp thép trong nước khi tồn kho giá cao đã được ghi nhận chủ yếu trong sáu tháng cuối năm 2022. Đón nhận những tín hiệu tích cực nêu trên, giá nhóm cổ phiếu thép trên thị trường chứng khoán có mức tăng khá cao so với thị trường chung.

Thống kê từ ngày 15-11-2022 đến ngày 14-3-2023 cho thấy nhóm năm công ty thép gồm Hòa Phát, Hoa Sen, Nam Kim, SMC và Thép Tiến Lên có giá cổ phiếu tăng trung bình 76% (so với mức tăng 14% của chỉ số VN-Index trong cùng khoảng thời gian).

Khó khăn vẫn còn nhiều

Giá thép hồi phục mang lại kỳ vọng bức tranh tài chính của các doanh nghiệp ngành thép sẽ sáng hơn. Tuy nhiên, một trong những rủi ro doanh nghiệp ngành này phải đối mặt đó là chịu tác động gián tiếp từ các chủ đầu tư dự án bất động sản thương mại gặp khó khăn về dòng tiền, dẫn tới công nợ khó đòi có thể phát sinh.

Trong khi đó, kênh trái phiếu doanh nghiệp được nhận định chưa thể hồi phục trong ngắn hạn khi niềm tin của nhà đầu tư đối với kênh dẫn vốn này chưa trở lại. Điều này sẽ tiếp tục ảnh hưởng tới dòng tiền và khả năng triển khai các dự án bất động sản, từ đó ảnh hưởng tới các nhóm ngành phụ trợ như thép.

Nhu cầu yếu có thể khiến các doanh nghiệp thép gặp khó khăn trong việc chuyển chi phí đầu vào sang giá bán như giai đoạn 2020-2021, nhất là ở thị trường nội địa.

Những tuần gần đây, Chính phủ cùng Ngân hàng Nhà nước đang nỗ lực tháo gỡ khó khăn cho thị trường trái phiếu (giãn nợ, cho phép trả lãi và gốc trái phiếu bằng tài sản thay tiền mặt), hạ lãi suất điều hành, đặc biệt là triển khai gói tín dụng hỗ trợ nhà ở xã hội, nhà ở công nhân lên tới 120.000 tỉ đồng.

Tuy nhiên, hiệu ứng của chính sách thường có độ trễ nhất định và đối tượng hưởng lợi thực sự của chính sách sẽ cần thời gian nhất định. Trong khi đó, khó khăn trước mắt về dòng tiền của doanh nghiệp, chủ đầu tư dự án vẫn đang hiện hữu và khó có thể giải quyết ngay lập tức.

Ngoài ra, cầu tiêu thụ yếu vẫn là khó khăn hiển hiện trước mắt với ngành thép. Trong báo cáo mới đây, Công ty Chứng khoán SSI dự báo, nhu cầu thép dẹt thành phẩm có thể tiếp tục suy yếu, chủ yếu do kênh xuất khẩu có mức nền cao trong nửa đầu năm 2022.

Tỷ suất lợi nhuận của doanh nghiệp thép có khả năng sẽ được cải thiện nhờ giá HRC hồi phục, qua đó giúp doanh nghiệp hoàn nhập trích lập dự phòng hàng tồn kho. Tuy nhiên, nhu cầu yếu có thể khiến các doanh nghiệp thép gặp khó khăn trong việc chuyển chi phí đầu vào sang giá bán như giai đoạn 2020 – 2021, nhất là ở thị trường nội địa.

Mới đây, trong cuộc họp đại hội đồng cổ đông năm 2023, “anh cả” ngành thép là Hòa Phát cũng tiết lộ nhiều thông tin và dự báo về triển vọng ngành trong thời gian tới với nhiều gam màu sáng tối đan xen.

Trên thực tế, một vài tín hiệu lạc quan cũng đã xuất hiện, điển hình là việc Hòa Phát đã mở lại một lò cao trong tháng 1 năm nay sau khi đã đóng cửa bốn lò cao vào cuối năm ngoái.

Giai đoạn khó khăn nhất có thể đã qua nhưng ngành thép nói chung và Hòa Phát nói riêng vẫn còn nhiều thách thức phải đối mặt trong ngắn hạn. Đầu tiên là sự suy yếu về nhu cầu tiêu thụ do thị trường bất động sản vẫn trầm lắng.

Trong hai tháng đầu năm nay, sản xuất thép xây dựng đạt 1,823 triệu tấn, giảm 15,4% và tiêu thụ đạt 1,736 triệu tấn, giảm 22,3%. Riêng với Hòa Phát, sản lượng tiêu thụ thép xây dựng đã giảm 29% so với cùng kỳ, đạt 586.000 tấn. Tổng sản lượng tiêu thụ của thép xây dựng, HRC và thép dẹt của Hòa Phát đạt 877.000 tấn, giảm 34% so với cùng kỳ

Do nhu cầu và giá thép yếu, Hòa Phát vẫn lỗ ròng trong hai tháng đầu năm 2023. Tuy nhiên, ban lãnh đạo của Hòa Phát cho biết khoản lỗ này thấp hơn so với dự kiến và đã được tính đến trong kế hoạch cả năm 2023.

Nguồn tin: Kinh tế sài gòn