Tình hình thực tế hoạt động sản xuất kinh doanh các ngành, đặc biệt ngành thép trong nước, đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức có khả năng kéo dài đến quý II năm 2023.
Ngành thép trước áp lực suy thoái toàn cầu
Thép là ngành công nghiệp nền tảng và có độ phụ thuộc cao vào tình trạng của nền kinh tế. Sau năm 2021 đặc biệt thuận lợi cho sản xuất và kinh doanh thép, năm 2022 chứng kiến những biến động vĩ mô dồn dập trên toàn cầu như xung đột Nga – Ukraine, suy thoái kinh tế sau COVID-19 và lạm phát, gây ra những ảnh hưởng tiêu cực có dư âm kéo dài.
Bên cạnh đó, thị trường bất động sản trong nước trầm lắng, do tín dụng của ngành này bị siết chặt, cũng góp phần khiến tiêu thụ thép trên thị trường nội địa giảm mạnh.
Quý III chứng kiến toàn ngành thép bước vào giai đoạn suy thoái mang tính chất chu kỳ trong bức tranh kinh doanh của tất cả các doanh nghiệp thép, bao gồm cả Hòa Phát khi doanh nghiệp này ghi nhận thua lỗ trong quý III – điều hiếm hoi xảy ra.
Theo đó, trong quý III, doanh thu của Hoà Phát đạt 34.441 tỷ đồng, giảm 12% so với cùng kỳ 2021. Lỗ sau thuế 1.786 tỷ đồng, trái ngược với số lãi kỷ lục 10.351 tỷ của quý III năm ngoái. Đây là lần thua lỗ đầu tiên của Hòa Phát kể từ cuối năm 2008.
Giá bán thép xây dựng đã trải qua 19 nhịp điều chỉnh giảm kể từ tháng 5. Giá bán bình quân quý III của thép xây dựng giảm 3%, của HRC giảm 26% và các sản phẩm từ HRC như ống thép, tôn giảm lần lượt 17% và 20% so với cùng kỳ năm trước.
Biên lợi nhuận gộp Hoà Phát đi xuống từ con số 23% trong quý I xuống còn 3% trong quý III. Trong
khi đó, biên lợi nhuận thuần giảm từ 18% xuống còn -5%. Thị trường thép khó khăn, chi phí sản xuất tăng cao kèm theo áp lực tài chi phí tài chính lớn, đặc biệt là lỗ chênh lệch tỷ giá (1.013 tỷ) đã buộc Hoà Phát phải tạm dừng 4 trong tổng số 7 lò cao. Công ty cho biết có thể đóng cửa thêm một lò cao nữa ở Khu liên hợp Dung Quất.
“Chúng tôi tin rằng việc dừng hoạt động các lò cao để giảm sản lượng là biện pháp hợp lý để tồn tại trong giai đoạn khó khăn hiện nay”, Hoà Phát cho biết.
Hoà Phát không phải là doanh nghiệp thép duy nhất phải cắt giảm sản lượng trong bối cảnh thị trường khó khăn.
Trước đó, hồi tháng 9, Công ty Cổ phần Thép Pomina thông báo dừng hoạt động sản xuất lò cao để chuyển sang tập trung vào lò điện. Việc mở lại hoạt động lò cao sẽ linh động và tùy thuộc vào triển vọng của thị trường thép.
Pomina ghi nhận khoản lỗ kỷ lục 715 tỷ đồng vào quý III trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi 3,5 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng đầu năm, Pomina lỗ ròng 708 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 206 tỷ đồng.
Cũng giống như bao doanh nghiệp thép khác, Pomina rơi vào vòng xoay nguyên vật liệu tăng cao trong khi giá bán giảm mạnh.
Theo báo cáo do Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) công bố, trong tháng 10, sản xuất thép thô đạt gần 1,4 triệu tấn, giảm 14,2% so với tháng trước và giảm 27,2% so với cùng kỳ năm 2021.
Tiêu thụ thép thô đạt 1,16 triệu tấn, giảm 21,3% so với tháng trước và giảm 41,7% so với tháng 10 năm ngoái.
Tình hình sản xuất thép xây dựng cũng sụt giảm mạnh so với tháng trước và cùng kỳ 2021. Cụ thể, sản lượng thép xây dựng sản xuất trong tháng 10 đạt 720.897 tấn, giảm 34,2% so với tháng trước và giảm 31,9% so với tháng 10/2021.
Bán hàng thép xây dựng đạt 712.646 tấn, giảm 22,6% so với tháng trước và giảm 39,7% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, xuất khẩu thép xây dựng đạt 104.974 tấn, giảm 58,4% so với tháng 10/2021.
“Vẫn chưa thể kỳ vọng thị trường phục hồi mạnh mẽ trong quý IV vì còn nhiều yếu tố bất định, nhất là khi room tín dụng cho ngành bất động sản bị siết. Kể cả room tín dụng được nới thì cũng cần thời gian để chạy đà. Nếu có thì nhu cầu cũng chỉ có thể từng bước tăng trở lại”, ông Nghiêm Xuân Đa, Chủ tịch VSA chia sẻ với chúng tôi.
Trong báo cáo mới đây, Hiệp hội Thép Thế giới (Worldsteel) dự báo nhu cầu thép toàn cầu của cả năm 2022 giảm 2,3% xuống gần 1,8 tỷ tấn.
Nhu cầu tại thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam là Liên minh châu Âu (EU) ước tính giảm 3,5% trong năm 2022 và có thể xuống thêm 1,3% vào năm 2023. Trong khi đó, tăng trưởng nhu cầu của thị trường Mỹ dự kiến sẽ giảm từ mức 2,1% vào năm 2022 xuống 1,6% trong năm sau.
Trung Quốc – thị trường có sức ảnh hưởng đến ngành thép Việt Nam – cũng được dự báo nhu cầu giảm 4% trong năm nay. Bước sang năm 2023, nhu cầu được dự báo đi ngang trong điều kiện có ít chương trình kích thích nền kinh tế được đưa ra.
Khó khăn sẽ còn kéo dài đến quý II/2023
“Kinh tế – xã hội Việt Nam trong 10 tháng năm 2022 khá ổn định, các cân đối vĩ mô đưa ra triển vọng, lạm phát trong tầm kiểm soát. Tuy nhiên, tình hình thực tế hoạt động sản xuất kinh doanh các ngành, đặc biệt ngành thép trong nước đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức có khả năng kéo dài đến quý II năm 2023”, VSA nhận định.
Trong báo cáo mới đây, bộ phận phân tích của CTCP Chứng khoán SSI (SSI Research) cho rằng ở thị
trường trong nước, nhu cầu thép dẹt ít phụ thuộc vào ngành bất động sản hơn so với thép xây dựng do tỷ trọng tiêu thụ thép dẹt từ kênh dân dụng nhiều hơn.
Tuy nhiên, nhu cầu tại thị trường dân dụng trong ngắn hạn vẫn có thể bị ảnh hưởng tiêu cực bởi lãi suất cao hơn và suy thoái kinh tế nói chung. Vì vậy, các doanh nghiệp tập trung vào mảng tôn mạ và ống thép như Hoa Sen và Nam Kim có khả năng vẫn gặp khó khăn.
Giá thép tại Việt Nam có thể sẽ ổn định khi giá thép trung bình tại Trung Quốc tháng 11 đã phục hồi khoảng 10% so với mức đáy vào cuối tháng 10 nhờ Bắc Kinh công bố giải pháp hỗ trợ thị trường bất động sản. Sản lượng thép tồn kho của Trung Quốc cũng đã giảm 50% so với mức đỉnh hồi tháng 3.
Tuy nhiên, SSI Research cho rằng giá thép khó có thể tiếp tục phục hồi đáng kể vì nhu cầu toàn thế giới còn yếu. Ngoài ra, nhu cầu thấp và mức dư cung lớn ở thị trường trong nước có thể gây áp lực lên giá bán của các nhà sản xuất Việt Nam.
Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) dự báo sản lượng tiêu thụ trong quý cuối năm nay sẽ còn thấp hơn quý III do triển vọng bức tranh kinh tế vĩ mô toàn cầu ảm đạm và cạnh tranh cao hơn với thép giá
rẻ của Trung Quốc cũng như các nhà sản xuất thép khác của Việt Nam. Diễn biến này có thể kéo dài ít nhất đến giữa năm 2023. Giá HRC đã giảm nhanh từ giữa tháng 10 nhưng xu hướng giảm sẽ chậm lại do nguồn cung trên toàn cầu bị hạn chế.
Lạm phát thấp hơn từ giữa năm 2023 sẽ khuyến khích nhu cầu tôn mạ toàn cầu, hỗ trợ sản lượng xuất khẩu nhích lên. VDSC cho rằng xuất khẩu sẽ khó hồi phục mạnh do chính sách thương mại tại các thị trường ngày càng thách thức đối với các nhà sản xuất Việt Nam.
Ủy ban châu Âu (EC) tái áp đặt hạn ngạch thuế quan đối với tôn mạ của Việt Nam từ tháng 7/2022 đến giữa năm 2024 và đang xem xét áp thuế chống bán phá giá đối với thép nhập khẩu. Nhu cầu tại thị trường trong nước sẽ được hỗ trợ bởi giải ngân đầu tư công mạnh mẽ hơn vào năm 2023 nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, VDSC nhận định.
Mặc dù vậy, tín hiệu tích cực khác đến với ngành thép khi giá các nguyên liệu sản xuất thép như quặng sắt, than luyện cốc và thép phế đã giảm mạnh và duy trì ở mức thấp trong những tháng gần đây. Điều này được kỳ vọng sẽ giúp giảm giá vốn trong quý IV.
Nguồn tin: Vinanet