Riêng trong tháng 7, các doanh nghiệp thép Việt đã nhận hai vụ kháng kiện với các sản phẩm thép. Điều này cho thấy xuất khẩu càng tăng, ngành thép càng chịu áp lực lớn từ các nước nhập khẩu.
Tăng trưởng nóng khiến ngành thép dễ dính kiện PVTM
Theo thống kê của Hiệp hội thép Việt Nam (VSA), kể từ năm 2004 đến tháng 7/2022, ngành thép Việt Nam phải đối mặt với 68 vụ việc phòng vệ thương mại.
(Số liệu: VSA, Biểu đồ: Phạm Mơ)
Riêng trong tháng 7, các doanh nghiệp thép Việt đã nhận hai vụ kháng kiện với các sản phẩm thép. Theo đó, ngày 29/7, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) khởi xướng điều tra lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại đối với một số sản phẩm ống thép, chủ yếu thuộc mã HS 7306.61 và 7306.30 nhập khẩu từ Việt Nam.
Nguyên đơn cáo buộc Việt Nam nhập khẩu thép cán nóng (HRS) từ Trung Quốc, Đài Loan – Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ sau đó gia công, chế biến đơn giản thành ống thép và xuất sang Mỹ nhằm lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại.
Trước đó, ngày 28/7, Bộ Kinh tế Mexico thông báo chính thức khởi xướng điều tra chống bán phá giá (CBPG) với thép cán nguội nhập khẩu từ Việt Nam trên cơ sở đơn kiện của ngành sản xuất trong nước.
Trao đổi với người viết, ông Nghiêm Xuân Đa, Chủ tịch VSA cho biết: “Tình trạng dư thừa công suất của ngành thép tiếp tục gia tăng, xảy ra ở trong nước và thế giới, nhất là khu vực Đông Nam Á, nơi cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam.
Do vậy, xu hướng bảo hộ trong thương mại quốc tế ngày càng mở rộng và khắt khe hơn, ngành thép đã và sẽ tiếp tục phải đối mặt ngày càng nhiều với các vụ kiện việc phòng vệ thương mại từ các quốc gia trên thế giới và từ nội khối ASEAN”.
Thực tế cho thấy số lượng vụ kiện phòng vệ thương mại của ngành thép tỷ lệ thuận với đà phát triển của ngành thép, hay nói cách khác là ngành thép càng tăng trưởng nóng, càng dễ dính phòng vệ thương mại.
Đại diện VSA cho biết 20 năm qua, ngành thép Việt Nam đã phát triển vượt bậc cả về quy mô sản xuất cũng như chủng loại sản phẩm, tốc độ tăng trưởng ngành thép Việt Nam những năm gần đây đều ở mức hai con số.
Cụ thể, năng lực sản xuất thép thô (phôi thép) của doanh nghiệp trong nước vào năm 2021 là 23 triệu tấn, cao gấp 4,6 lần sản lượng năm 2011 và gấp hơn 70 lần năm 2001.
Năm 2021, xuất khẩu thép thành phẩm và bán thành phẩm đạt 14 triệu tấn thép, chiếm khoảng 50% tổng lượng thép thành phẩm xuất khẩu của các quốc gia Đông Nam Á.
Thép Việt Nam không chỉ có mặt ở thị trường truyền thống là các nước Đông Nam Á, mà còn mở rộng ra các thị trường lớn, đòi hỏi khắt khe về tiêu chuẩn chất lượng, xuất xứ và môi trường như các nước Mỹ, EU…
Lượng xuất khẩu thép của liên tục đi lên, kèm theo lợi thế nhân công giá rẻ, giá thành cạnh tranh đang đe dọa lợi nhuận của doanh nghiệp nước sở tại, nguy cơ ngành thép bị kiện cao hơn.
Còn về khó khăn từ phía nội tại ngành, chủ tịch VSA cho rằng các công nghệ sản xuất và quản lý doanh nghiệp của một số công ty còn lạc hậu, hệ thống sổ sách kế toán chưa theo kịp tiêu chuẩn quốc tế, doanh nghiệp thiếu kiến thức về phòng vệ thương mại… Những điều này khiến doanh nghiệp gặp bất lợi khi đối mặt với những vụ kiện thương mại, vốn tốn nhiều thời gian và chi phí.
Còn ở góc độ của cơ quan quản lý, Cục Phòng vệ Thương mại (Bộ Công Thương) cho biết thép vẫn là sản phẩm thuộc đối tượng điều tra nhiều nhất, chiếm hơn 40% các vụ việc kiện phòng vệ thương mại.
“Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tăng nhanh thì việc Việt Nam đối mặt với nhiều vụ kiện PVTM, trong đó có mặt hàng thép là điều tất yếu, không thể tránh khỏi”, Cục Phòng vệ Thương mại cho biết.
Ngoài các yếu tố VSA nêu trên, Cục Phòng vệ Thương mại cho rằng việc Việt Nam ký kết một loạt các FTA song phương, đa phương, thế hệ mới và mở cửa thị trường, nhiều mặt hàng trong đó có sắt thép sẽ có mức thuế về 0% dẫn tới các nước tìm các biện pháp khác (ngoài thuế nhập khẩu) nhằm hỗ trợ ngành sản xuất nội địa.
Bên cạnh đó, thời gian gần đây xu hướng kiện chùm, kiện domino đang khá thịnh hành. Cụ thể, các nước thường có xu hướng kiện nhiều nước (các nước có thị phần xuất khẩu lớn vào nước điều tra, hoặc các nước nghi ngờ có sự chuyển tải hàng hóa nhằm lẩn tránh thuế, hoặc các nước đặt trụ sở công ty mẹ-con).
Việt Nam thường xuyên bị kiện chung với một số nước khác như Trung Quốc, Ấn Độ… là các nước xuất khẩu thép lớn trên thế giới.
Do đó, khi có sự nghi ngờ, cáo buộc với một trong số các nước nêu trên, cơ quan điều tra nước nhập khẩu thường có xu hướng kiện cả Việt Nam. Ngoài ra, việc Việt Nam đã bị một nước điều tra có thể dẫn tới hiệu ứng Domino, tức là các nước khác cũng tiếp tục kiện Việt Nam với cùng sản phẩm.
Cuộc chiến dài hơi
Thực tế, những vụ kiện phòng vệ thương mại thường kéo dài nhiều năm và có thể gia hạn nhiều lần. Do đó, doanh nghiệp ngành thép cần xác định đây là cuộc chiến dài hơi và tốn kém.
Để hạn chế thấp nhất khả năng bị khởi kiện phòng vệ thương mại, Cục Phòng vệ Thương mại khuyến cáo doanh nghiệp xuất khẩu thép theo sát thông tin thị trường xuất khẩu, thường xuyên trao đổi với đối tác nhập khẩu, kể cả là cả những thông tin về rào cản thương mại có nguy cơ áp dụng lên hàng hóa nhập khẩu.
Điều này giúp doanh nghiệp nắm bắt thông tin sớm về khả năng bị kiện, vận động sớm để cơ quan điều tra không khởi xướng vụ việc hoặc đề nghị nhà nhập khẩu bình luận, bày tỏ ý kiến được cơ quan điều tra xem xét…
Hiện, Bộ Công Thương đã có hệ thống cảnh báo sớm để theo dõi thông tin, cập nhật số liệu nhằm đưa ra cảnh báo kịp thời cho doanh nghiệp xuất khẩu có giải pháp phòng ngừa vụ việc.
Mặt khác, doanh nghiệp cũng cần cần đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, đa dạng hóa sản phẩm xuất khẩu, tránh xuất khẩu quá tập trung vào một thị trường để giảm thiểu rủi ro bị điều tra, áp thuế, đặc biệt khi bị áp thuế cao doanh nghiệp sẽ có thể mất thị trường xuất khẩu.
Trong trường hợp có vụ kiện PVTM xảy ra, điều quan trọng nhất là doanh nghiệp xuất khẩu cần chủ động tham gia, xử lý, hợp tác toàn diện với cơ quan điều tra để tránh bị áp dụng những thông tin bất lợi.
Hơn nữa, doanh nghiệp cũng cần phối hợp chặt chẽ với Chính phủ, Bộ Công Thương để được hỗ trợ sớm nhất. Nhờ việc tuân thủ, hợp tác với cơ quan quản lý nước nhập khẩu và sự hỗ trợ của Chính phủ, nhiều doanh nghiệp đã không bị áp thuế hoặc áp thuế thấp, giảm thiểu tác động tiêu cực tới xuất khẩu ngành hàng.
Nguồn tin: Vietnambiz