EU VÀ MỸ LÊN KẾ HOẠCH ÁP THUẾ MỚI ĐỐI VỚI THÉP CỦA TRUNG QUỐC

Liên minh châu Âu (EU) đang xây dựng một thỏa thuận tạm thời với Mỹ nhằm áp thuế mới đối với thép nhập khẩu từ Trung Quốc và các nước khác bị nghi ngờ được trợ cấp bất công. Nếu nhất trí thỏa thuận này, EU sẽ tránh được nguy cơ Mỹ tái áp thuế thép và nhôm có từ thời Tổng thống Donald Trump vào đầu năm tới.

Theo Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), Trung Quốc chiếm 47% tổng công suất thép của thế giới vào năm 2022. Ảnh: Nikkei Asia

Theo Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), Trung Quốc chiếm 47% tổng công suất thép của thế giới vào năm 2022. Ảnh: Nikkei Asia

Bloomberg hôm 10-10 dẫn các nguồn tin thạo tin cho biết Thỏa thuận thép và nhôm toàn cầu (GSA) dự kiến được Mỹ và EU công bố tại hội nghị thượng đỉnh giữa hai bên ở Washington vào ngày 20-10 tới. Trọng tâm của thỏa thuận là đề xuất áp thuế đối với thép nhập khẩu từ Trung Quốc, vốn được hưởng lợi từ các chính sách phi thị trường

Phạm vi của thỏa thuận, bao gồm danh sách các nước khác có thể bị áp thuế thép cũng như mức thuế, vẫn đang được thảo luận. Mỹ và EU cũng kỳ vọng GSA sẽ cung cấp một khuôn khổ để các nước khác như Anh và Nhật Bản tham gia trong tương lai. Hai vấn đề chính mà GSA tìm cách giải quyết vấn đề dư thừa công suất thép phi thị trường và lượng khí thải carbon từ ngành công nghiệp thép và nhôm.

Trước đó, Mỹ đề xuất với EU rằng cả hai bên sẽ áp thuế với các sản phẩm thép có lượng phát thải carbon cao trong quá trình sản xuất cũng như thép sản xuất tại các nước có công suất dư thừa.

EU và Mỹ cũng sẽ ký một thỏa thuận chính trị để tạm dừng các tranh chấp của họ trong khi tiếp tục đàm phán phần thứ hai của GSA: khử carbon trong hoạt động sản xuất thép và nhôm.

EU đã trả đũa bằng cách đánh thuế đối với các sản phẩm của Mỹ như rượu whisky bourbon và mô tô của hãng Harley-Davidson. Tuy nhiên, cả hai bên đã đình chỉ các biện pháp áp thuế này vào năm 2021 khi hợp tác thực hiện sáng kiến thép bền vững nhằm hạn chế nhập khẩu từ Trung Quốc.

Nếu không đạt được thỏa thuận GSA trước ngày 31-10, các mức thuế quan đối với hàng xuất khẩu qua về trị giá 10 tỉ đô la mỗi năm giữa EU và Mỹ sẽ tự động có hiệu lực trở lại vào đầu năm 2024.

EU dự định công bố mở cuộc điều tra chống trợ cấp đối với các nhà sản xuất thép Trung Quốc tại hội nghị thượng đỉnh với Mỹ trong tháng này.

Financial Times dẫn hai nguồn thạo tin cho biết Brussels đồng ý tham gia các nỗ lực của Washington nhằm bảo vệ các ngành công nghiệp khỏi sự cạnh tranh giá rẻ. Họ tiết lộ Washington đã yêu cầu Brussels có hành động chống lại các nhà sản xuất thép Trung Quốc để đổi lấy việc Mỹ không tái áp thuế đối với thép của EU vào đầu năm tới

Động thái trên của EU sẽ là vụ điều tra thứ hai chống lại Trung Quốc trong nhiều tháng, sau khi Brussels tuyên bố điều tra chống trợ cấp đối với xe điện sản xuất ở Trung Quốc. EU cũng đang xem xét điều tra chống trợ cấp nhằm vào tuốc bin gió của Trung Quốc. Những cuộc điều tra này, dự kiến sẽ kéo dài tới một năm, có thể dẫn đến việc áp đặt thuế quan.

Trong hai năm đàm phán vừa qua, EU đã từ chối sao chép quyết định của Mỹ sử dụng lý do an ninh quốc gia để áp thuế 25% đối với thép và 10% đối với nhôm trên toàn cầu sau khi Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) kết luận động thái này vi phạm các nguyên tắc thương mại quốc tế.

Nhưng EU đồng ý đánh thuế phù hợp với quy định của WTO nếu cuộc điều tra của khối này chứng minh rằng các khoản trợ cấp đối với ngành thép của Trung Quốc là không công bằng.

Số liệu của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), có trụ sở tại Paris, cho thấy công suất sản xuất thép toàn cầu tăng lên mức cao kỷ lục trong năm 2022. Công suất thép dư thừa trên toàn cầu cũng ở mức cao kỷ lục, với chỉ 75% công suất được sử dụng. Theo OECD, Trung Quốc chiếm 47% tổng công suất thép của thế giới vào năm 2022. Đây là điều đáng lo ngại đặc biệt trong bối cảnh thị trường thép của Trung Quốc đang suy yếu do khủng hoảng của lĩnh vực bất động và nhu cầu thép của nước này có thể giảm trong những năm tới.

Brussels hiện đang áp thuế chống bán phá giá đối với 10 sản phẩm thép của trung Quốc. EU cũng áp đặt hạn ngạch nhập khẩu đối với nhiều sản phẩm thép. Tuy nhiên, ngành công nghiệp thép của EU cho rằng các biện pháp này không hiệu quả.

“Các công cụ phòng vệ thương mại truyền thống không thể giải quyết được vấn đề này. Chúng ta đã sử dụng chúng trong 50 năm nhưng không có tác dụng. Công suất thép dư thừa toàn cầu được thúc đẩy bởi các chính phủ. Chúng ta cần một công cụ mới”, Axel Eggert, Tổng giám đốc Hiệp hội thép châu Âu (Eurofer), nói.

Nguồn tin: Kinh tế sài gòn