Dự báo sản xuất thép thành phẩm có thể đạt 30 triệu tấn

Bộ Công Thương dự báo, sản xuất thép thành phẩm năm 2024 có thể đạt 30 triệu tấn, tăng 7% so với năm 2023.

 

Dây chuyền sản xuất thép của Hòa Phát tại Dung Quất. Ảnh: Đức Dũng/BNEWS/TTXVN

Đại diện Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho hay, ngành xây dựng dự kiến đạt triển vọng tăng cao so với cùng kỳ các năm trong giai đoạn tới, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn thách thức đến từ sức cạnh tranh còn yếu của toàn ngành, đặc biệt là thép nhập khẩu  giá rẻ. Do vậy, xu hướng tăng trưởng ngành thép chưa có dấu hiệu thực sự chắc chắn.

Bộ Công Thương dự báo, sản xuất thép thành phẩm năm 2024 có thể đạt 30 triệu tấn, tăng 7% so với năm 2023. Tuy nhiên, sự phục hồi này chưa chắc chắn bởi tình trạng cung vượt cầu của nhiều sản phẩm thép trong nước cùng sự gia tăng thép nhập khẩu sẽ làm cho sự cạnh tranh về giá cả mặt hàng thép thành phẩm nội địa trở nên khốc liệt hơn. Thị trường thế giới nhiều bất ổn, giá cước vận tại quốc tế tăng… cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro cho các doanh nghiệp ngành thép.

Nhiều chuyên gia cũng đã nhận định, với sự phục hồi của lĩnh vực bất động sản nhà ở và sự gia tăng số lượng dự án mới được cấp phép, trong nửa cuối năm 2024, sản lượng tiêu thụ thép nội địa được dự báo sẽ hồi phục. Bên cạnh đó, Luật Đất đai sửa đổi và có hiệu lực được kỳ vọng sẽ kích thích nhu cầu tiêu thụ thép trong nước.

Ông Nguyễn Văn Sưa, chuyên gia ngành thép cho hay, ngành thép đang có nhiều thông tin hỗ trợ về thị trường rất tích cực. Có thể kể đến như sự phục hồi cuối năm như thường lệ khi bước vào mùa xây dựng. Cùng với đó, đối với tôn mạ, mới đây, Bộ Công thương đã quyết định điều tra và áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số sản phẩm tôn mạ nhập khẩu từ Trung Quốc và Hàn Quốc; điều tra áp dụng chống bán phá giá với sản phẩm thép cán nóng có xuất xứ từ Ấn Độ và Trung Quốc…

Nếu việc điều tra có hành vi vi phạm, được áp thuế sẽ giúp cho ngành thép trong những năm tới cạnh tranh công bằng hơn, sự phục hội của mặt hàng tôn, cuộn cán nóng của doanh nghiệp trong nước sẽ tốt hơn.

Ông Sưa cũng cho hay, ngành thép có những điểm sáng để phục hồi song những tín hiệu này là chưa chắc chắn. Để thực sự là ngành kinh tế nền tảng, phát triển được trong những năm tới, ngành thép cần sự trợ giúp của nhà nước trong các vấn đề liên quan phòng vệ thương mại với sản phẩm nhập khẩu, tạo sự cạnh tranh công bằng hơn. Cùng đó, bản thân doanh nghiệp phải nâng cao chất lượng sản phẩm, sức cạnh tranh và khả năng tự vệ trước các cuộc điều tra của nước nhập khẩu.

Trong 7 tháng qua, sản xuất thép thành phẩm các loại đạt gần 17 triệu tấn, tăng 9,4%; trong đó, sản xuất thép tôn mạ kim loại và sơn phủ màu đạt tăng trưởng cao nhất là 29,2%, thép xây dựng 14,6% và HRC là 2,9%…Tiêu thụ thép thành phẩm đạt 16,75 triệu tấn, tăng 14,3% so với 7 tháng 2023.

Xuất khẩu  thép thành phẩm 7 tháng năm 2024 đạt gần 4,9triệu tấn thép, tăng trưởng 6,8% so với cùng kỳ 2023. Mức tăng trưởng cuộn cán nguội CRC đạt cao nhất 40,6%, tiếp đến là tôn mạ kim loại và sơn phủ màu và thép xây dựng tuy nhiên xuất khẩu ống thép giảm 1,2% và HRC giảm nhẹ 0,8% so với cùng kì 2023.

Theo nhận định từ Hiệp hội Thép Việt Nam, với những điểm sáng của kinh tế xã hội tháng 7 và 7 tháng năm 2024, nhiều lĩnh vực tháng 7 đạt kết quả cao hơn tháng trước và 7 tháng tốt hơn so với cùng kỳ năm 2023, sản xuất công nghiệp duy trì xu hướng tăng trưởng. Cùng với đó, các văn bản luật liên quan đến thị trường bất động sản, luật đất đai,… có hiệu lực có thể tạo động lực thị trường thép phục hồi tích cực trong thời gian cuối năm.

Nguồn: Vietnambiz.vn