DOANH NGHIỆP THÉP ĐẶT KẾ HOẠCH THẬN TRỌNG, NHÀ ĐẦU TƯ LẠI NGHĨ KHÁC

Sau một năm tăng trưởng mạnh, các công ty thép đều đang lên kế hoạch thận trọng trong năm 2022.

Trong năm 2022, Đầu tư Thương mại SMC (mã SMC) đặt kế hoạch doanh thu 20.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 300 tỷ đồng, lần lượt giảm 6,2% và 66,8% so với thực hiện trong năm 2021. Trong đó, tổng sản lượng tiêu thụ là 1,25 triệu tấn, giảm 2,9% so với cùng kỳ năm trước.

Đối với Giang thép Thái Nguyên (mã TIS), công ty đặt kế doanh tổng doanh thu 20.105 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 90 tỷ đồng (báo cáo riêng). Như vậy, ước tính lợi nhuận trước thuế sẽ giảm 40,6% so với thực hiện trong năm 2021.

Còn tại Hoa Sen (mã HSG), năm 2022, công ty đặt kế hoạch sản lượng 2 triệu tấn và doanh thu 46.399 tỷ đồng. Trong đó, riêng lợi nhuận sau thuế dự kiến với 3 kịch bản từ 1.500 tỷ đồng, 2.000 tỷ đồng và 2.500 tỷ đồng. Như vậy, với 3 kịch bản nói trên, ước tính lợi nhuận cho NĐTC 2021-2022 của công ty sẽ giảm lần lượt 65,2%, 53,6% và 42% so với thực hiện trong năm 2021.

Ban lãnh đạo HSG chia sẻ trong ĐHĐCĐ niên độ tài chính 2021-2022, năm 2022, nền kinh tế tiềm ẩn nhiều biến động khó lường. Diễn biến phức tạp của dịch bệnh và xung đột chính trị trên thế giới có thể ảnh hưởng đến hoạt động của các doanh nghiệp. Do đó, công ty đặt kế hoạch kinh doanh đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định và bền vững, tiếp tục duy trì hoạt động cạnh tranh cốt lõi.

Tại Thép Tiến Lên (mã TLH), trong tháng 2/2022, công ty ghi nhận doanh thu đạt gần 435 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế gần 21 tỷ đồng. Lũy kế 2 tháng đầu năm, công ty ghi nhận doanh thu tăng 43% lên 716 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế giảm 62% về 26 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, biên lợi nhuận gộp giảm mạnh từ 18,8% về chỉ còn 7,1%.

Như vậy, trong 2 tháng đầu năm mặc dù doanh thu tăng nhưng lợi nhuận của TLH vẫn giảm mạnh chủ yếu do tốc độ tăng doanh thu không nhanh bằng tốc độ tăng của giá vốn hàng bán.

Nhà đầu tư lại đang nghĩ khác doanh nghiệp thép

Trái với lo ngại về việc lợi nhuận có thể giảm mạnh trong năm 2022 của ban lãnh đạo các công ty thép. Kể từ đầu năm 2022 tới nay, cũng như khi xung đột giữa Nga và Ukraine diễn ra cuối tháng 2/2022, giới đầu tư lại có dấu hiệu mua vào nhóm cổ phiếu thép với kỳ vọng giá thép tiếp tục đà tăng trở lại sau một giai đoạn điều chỉnh.

Cụ thể, theo dữ liệu của Trading Economics, từ 30/11/2021 đến 30/3/2022, giá thép cây tăng 20,5% từ 4.176 lên 5.031 CNY/T và tiếp tục duy trì ở mức cao trong trong nhiều năm trở lại đây.

Dựa trên dữ liệu giá thép quay đầu bật tăng trở lại sau một giai đoạn điều chỉnh mạnh từ tháng 9/2021, giới đầu tư kỳ vọng nhóm cổ phiếu thép sẽ quay lại sau một giai đoạn điều chỉnh và giảm sâu.

Thống kê diễn biến nhóm cổ phiếu thép, cổ phiếu NKG từ 24/1 đến 30/3 đã tăng 62,1% từ 30.350 đồng lên 49.200 đồng/cổ phiếu; cổ phiếu HSG, từ 24/1 đến 7/3 đã tăng 41,3% từ 30.050 đồng lên 42.450 đồng/cổ phiếu và bắt đầu có dấu hiệu điều chỉnh trong những phiên gần đây, tính tới 30/3 đang giao dịch vùng 36.300 đồng/cổ phiếu; cổ phiếu HPG, từ 24/1 đến 7/3 đã tăng 25,6% từ 40.700 đồng lên 51.100 đồng/cổ phiếu và bắt đầu điều chỉnh về 45.500 đồng/cổ phiếu ngày 30/3; cổ phiếu SMC, từ 24/1 đến 30/3, cổ phiếu tăng 32% từ 33.350 đồng lên 44.000 đồng/cổ phiếu.

Nhìn chung, trong giai đoạn quý I/2022, giới đầu tư dựa trên dấu hiệu tiếp tục tăng trở lại của giá thép nên đã đẩy mạnh mua vào cổ phiếu thép giúp nhóm này thiết lập mặt bằng giá cao hơn. Tuy nhiên, đang bắt đầu có dấu hiệu chốt lời và bán mạnh cổ phiếu nhóm này trong hơn 2 tuần trở lại đây khi các doanh nghiệp công bố kế hoạch kinh doanh giảm mạnh.

Nguồn tin: Đầu tư