‘DẰN MẶT’ TRUNG QUỐC, MỸ ĐỀ XUẤT ĐÁNH THUẾ NHÔM VÀ THÉP TRÊN LƯỢNG THẢI CARBON

Các quan chức Mỹ đang đề xuất đánh thuế thép và nhôm dựa trên lượng carbon thải ra tại các nước sản xuất, nhằm nỗ lực chống lại biến đổi khí hậu và kim loại “bẩn” xuất xứ tại Trung Quốc và một số quốc gia khác.

‘Dằn mặt’ Trung Quốc, Mỹ đề xuất đánh thuế nhôm và thép trên lượng thải carbon

Mỹ và EU muốn lập “câu lạc bộ” gồm các quốc gia cam kết giảm phát thải carbon.

Theo Reuters, đây là đề xuất từ ​​Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ, hiện đang được đàm phán với Liên minh châu Âu (EU), nhằm tạo ra một “câu lạc bộ” toàn cầu gồm các quốc gia định hướng thị trường đang tìm cách giảm lượng khí thải carbon.

Kế hoạch này sẽ đặt ra các tiêu chuẩn “cường độ phát thải” cho việc sản xuất thép và nhôm và các sản phẩm cụ thể, theo một tài liệu mô tả kế hoạch mà Reuters được tiếp cận.

Theo tài liệu, các quốc gia là thành viên của “thỏa thuận toàn cầu” có lượng khí thải vượt quá các tiêu chuẩn này sẽ phải trả mức thuế cao hơn khi xuất khẩu kim loại sang các nước có lượng khí thải thấp hơn.

Các quốc gia có lượng phát thải từ nhà máy thép và nhôm bằng hoặc thấp hơn mức phát thải của nước nhập khẩu sẽ không phải trả thuế dựa trên carbon.

Theo một nguồn tin của Reuters, các quốc gia quyết định tham gia “câu lạc bộ” do Mỹ và EU đề xuất sẽ có lợi thế hơn vì sẽ được cung cấp mức thuế carbon thấp hơn so với các quốc gia không gia nhập. Ngoài ra, kế hoạch mới của Mỹ cũng nhằm khuyến khích đầu tư giảm phát thải.

Đề xuất này, hiện đang được chia sẻ với các quan chức trong ngành và EU, xuất phát từ các cuộc thảo luận giữa Mỹ và EU về sản xuất thép “xanh” trong năm qua sau khi Washington tạm dừng thuế quan đối với thép và nhôm do EU sản xuất để đổi lấy hệ thống hạn ngạch.

Hai bên đã đồng ý hợp tác để giảm lượng khí thải carbon trong sản xuất thép và nhôm đồng thời giải quyết vấn đề dư thừa công suất lâu dài trong các ngành công nghiệp, phần lớn tập trung ở Trung Quốc.

Câu lạc bộ kim loại phát thải thấp được đề xuất sẽ loại trừ Trung Quốc và các nền kinh tế “phi thị trường” khác do các doanh nghiệp nhà nước hoặc do nhà nước chỉ đạo thống trị, đưa ra các tiêu chí để cấm các nước thành viên góp phần vào vấn đề dư thừa công suất thép và nhôm.

Theo Reuters, các cuộc đàm phán giữa Mỹ và EU về thép carbon thấp phần lớn nhắm vào Trung Quốc, quốc gia phụ thuộc vào than đá để sản xuất phần lớn sản lượng thép cũng như quặng sắt chất lượng thấp góp phần tạo ra lượng khí thải carbon cao.

Nếu được thực hiện, kế hoạch này sẽ tạo cơ sở mới để loại trừ thép Trung Quốc khỏi các thị trường phương Tây. Hầu hết các mức thuế của Mỹ hiện dựa trên luật chống bán phá giá nhằm chống lại việc định giá thấp hơn chi phí sản xuất, luật nhằm chống trợ cấp không công bằng của chính phủ hoặc luật nhằm bảo vệ các ngành công nghiệp chiến lược.

Nhưng những rào cản đối với kế hoạch cũng không hề ít. Bởi lẽ, EU đã đề xuất một kế hoạch điều chỉnh giới hạn carbon hoàn toàn khác so với biểu thuế đơn giản hơn do Mỹ đề xuất, vì vậy việc dung hòa các hệ thống khác nhau này có thể mất nhiều thời gian. Ngoài ra, việc giúp kế hoạch này thông qua Nghị viện Mỹ chắc chắn cũng không dễ dàng, đặc biệt khi các đảng viên Cộng hòa sẽ nắm quyền kiểm soát Hạ viện vào năm tới.

Nguồn tin: Vietnam Finance