CHỦ ĐỘNG PHÒNG VỆ THƯƠNG MẠI, BẢO VỆ NGÀNH THÉP TRONG NƯỚC

Cùng với sự tăng trưởng mạnh mẽ trong hoạt động xuất khẩu, sản phẩm thép của Việt Nam hiện đang là một trong những mặt hàng bị các nước thành viên RCEP khởi xướng điều tra phòng vệ thương mại nhiều nhất.

Theo Cục Phòng vệ Thương mại, đến nay, Việt Nam đã chịu 93 biện pháp phòng vệ thương mại do các nước thành viên RCEP điều tra, tác động đến các ngành hàng như thép, sợi, gỗ… Ở chiều ngược lại, Việt Nam cũng đã điều tra 23 vụ việc phòng vệ thương mại đối với các nước RCEP, chủ yếu trong các ngành kim loại, sợi, chất tạo ngọt…

Được biết trong năm 2021, Việt Nam xuất khẩu sang các nước RCEP (Gồm 10 quốc gia thành viên ASEAN và 5 nước đối tác là Australia, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand) đạt 132,32 tỉ USD, tăng khoảng 16% so với năm 2020. Bên cạnh đó, nhập khẩu đạt 238,5 tỉ USD, tăng 28% so với năm 2020.

Để chủ động phòng vệ thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp ngành thép và một số ngành khác ở trong nước, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư 07/2022/TT-BCT hướng dẫn thực hiện các biện pháp phòng vệ thương mại trong Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực.

Quy định về lĩnh vực phòng vệ thương mại trong Hiệp định RCEP được nêu tại Chương 7, trong đó có một số vấn đề kỹ thuật phức tạp như quy định cấm áp dụng phương pháp tính toán quy về 0 (zeroing), nghĩa vụ công bố các dữ kiện trọng yếu và xử lý thông tin mật trong điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp và các cam kết cụ thể về biện pháp tự vệ RCEP chuyển tiếp.

Trong thời gian tới, Cục Phòng vệ Thương mại sẽ phối hợp với các hiệp hội và địa phương phổ biến, hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp hiểu rõ các quy định về phòng vệ thương mại trong Hiệp định RCEP và Thông tư số 07/2022/TT-BCT nhằm bảo vệ lợi ích chính đáng của mình trong quá trình tham gia Hiệp định.

Trước đó, thị trường liên tiếp ghi nhận các vụ điều tra của đối tác nhập khẩu thép của Việt Nam như EU, Úc, Malaysia, Ấn Độ… Mới đây nhất, Thái Lan thông báo sẽ rà soát cuối kỳ lệnh áp thuế chống bán phá giá đối với 2 sản phẩm thép mạ hợp kim nhôm kẽm và thép phủ màu nhập khẩu từ Việt Nam.

Nguồn tin: CafeLand