THÉP RỚT GIÁ, CÓ CÒN GIẢM TIẾP?

Từ giữa tháng 5 đến nay, giá thép hạ 8 lần liên tiếp với tổng mức giảm đến 3 triệu đồng mỗi tấn.

Giảm so với đỉnh khoảng 4-5 triệu đồng mỗi tấn

Mới đây, hàng loạt thương hiệu thép đã thông báo giảm giá sản phẩm với mức giảm lên đến 300.000 đồng/tấn. Đợt điều chỉnh này là lần giảm thứ 8 liên tiếp từ ngày 11/5.

Thương hiệu Hòa Phát giảm giá thép tại miền Bắc với mức lần lượt 360.000 đồng và 200.000 đồng một tấn đối với thép cuộn CB240 và thép thanh vằn D10 CB300. Mức giảm 190.000-300.000 đồng một tấn cũng được Việt Đức áp dụng với hai loại thép trên.

Tương tự, thép Việt Ý CB240 và D10 CB300 giảm lần lượt 200.000 đồng/tấn và 210.000 đồng/tấn xuống còn 16,16 triệu đồng/tấn và 16,56 triệu đồng/tấn. Với thép Kyoei, giá hôm nay là 16,06 triệu đồng/tấn và 16,46 triệu đồng/tấn đối với CB240 và D10 CB300 sau khi giảm 200.000 đồng/tấn và 140.000 đồng/tấn theo thứ tự.

Trong khi đó, thép Việt Nhật giảm đến 400.000-410.000 đồng một tấn với thép cuộn CB240 và thép thanh vằn D10 CB300…

Như vậy, trong 2 tháng, giá thép giảm đến hơn 3 triệu đồng/tấn, tùy từng thương hiệu và loại thép. Sau điều chỉnh, mặt bằng giá thép cuộn CB240 hiện dao động 16-16,5 triệu đồng/tấn, thép thanh vằn D10 CB300 vào khoảng 16,3-17,5 triệu đồng/tấn. Mức giá này giảm so với mức đỉnh (21 triệu đồng/tấn) khoảng 4-5 triệu đồng.

Còn giảm tiếp?

Nguyên nhân kéo dài đà giảm của giá thép đến từ nhu cầu tiêu thụ suy yếu và chi phí nguyên liệu đầu vào hạ thấp. Thống kê của SSI Research cho thấy, nhu cầu thép trong nước 5 tháng đầu năm giảm khoảng 6% so với cùng kỳ 2021.

Còn riêng tháng 4 và tháng 5, sản lượng tiêu thụ thép thành phẩm trong nước (bao gồm thép xây dựng, tôn mạ và thép ống) đã giảm khoảng 32%.

Sắt thép các loại nhập khẩu vào Việt Nam cũng đang giảm mạnh. Theo Hiệp hội thép Việt Nam (VSA), sản lượng nhập nhiều nhất đến từ Trung Quốc, ngưỡng 2,17 triệu tấn, giảm mạnh 30,6% về lượng, giảm 3,8% về kim ngạch.

SSI Research cho rằng, nhu cầu giảm có thể là hệ quả của ba yếu tố gồm giá thép cao, các chi phí vật liệu xây dựng khác cũng tăng, khiến hoạt động xây dựng bị đình trệ.

Bên cạnh đó, lo ngại về việc giá thép tạo đỉnh khiến các nhà phân phối tạm dừng việc dự trữ hàng tồn kho.

Ngoài ra, các chính sách quản lý siết chặt hơn dòng vốn vào lĩnh vực bất động sản cũng ảnh hưởng đến nhu cầu và giá thép.

Đặc biệt, giá nguyên liệu đầu vào giảm mạnh là nguyên nhân chính giảm giá thép. SSI Research chỉ ra giá than cốc đã giảm 36% so với mức đỉnh hồi tháng 3, trong khi giá quặng sắt cũng sụt 13% suốt 3 tháng qua.

Nhận định về diễn biến giá thép thời gian qua, VSA cho rằng, thị trường thép nửa cuối năm sẽ khó khăn hơn khi dự báo giá thép xây dựng trong nước sẽ tiếp tục giảm, thậm chí có thể kéo dài đến hết quý III, trong khi lợi nhuận mảng xuất khẩu thép không còn tốt như trước.

Thực tế, 6 tháng đầu năm, thị trường thép trong nước đã chứng kiến nhiều biến động mạnh về giá. 3 tháng đầu năm, giá thép đã có 7 đợt tăng nóng và chạm mốc 19-19,5 triệu đồng/tấn, thậm chí lên ngưỡng 20-21 triệu đồng/tấn.

Nhưng đến đầu tháng 5, giá thép xây dựng lại lao dốc 8 đợt liên tiếp, xuống còn khoảng trên dưới 16 triệu đồng/tấn tùy loại và thương hiệu.

VSA cho rằng giá thép sẽ tiếp tục giảm thời gian tới, thậm chí có thể kéo dài đến hết quý III.

Nguồn tin: Giao thông