Ủy ban Châu Âu (EC) đã nhận được Hồ sơ đầy đủ hợp lệ yêu cầu điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với sản phẩm thép cuộn cán nóng không hợp kim hoặc hợp kim nhập khẩu từ Việt Nam.
Thông tin từ Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công thương, ngày 30/7/2024, cơ quan này nhận được thông tin về việc Ủy ban Châu Âu (EC) đã nhận được Hồ sơ đầy đủ hợp lệ yêu cầu điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với sản phẩm thép cuộn cán nóng không hợp kim hoặc hợp kim nhập khẩu từ Việt Nam.
Trong trường hợp khởi xướng điều tra vụ việc, EC sẽ gửi các bên liên quan các tài liệu gồm đơn yêu cầu, quyết định khởi xướng điều tra và bản câu hỏi điều tra.
Phía EC yêu cầu cung cấp danh sách đầy đủ về địa chỉ, người liên hệ, email của nhà xuất khẩu thép trong đơn khiếu nại, chậm nhất ngày 5/8/2024.
Trước thông báo trên, Cục Phòng vệ thương mại khuyến nghị doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm bị yêu cầu điều tra theo dõi vụ việc và có phương án ứng phó phù hợp.
Dữ liệu từ Bộ Công thương, năm 2023, EU điều tra 1 vụ việc chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp mới với thép không gỉ cán nguội và tiếp tục rà soát việc áp dụng biện pháp tự vệ đối với một số sản phẩm thép.
Cụ thể, ngày 14/8/2023, Bộ Công thương nhận được thông tin về việc EU khởi xướng hai vụ việc điều tra CLT thuế CBPG và CTC đối với sản phẩm thép không gỉ cán nguội của Việt Nam, Đài Loan – Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong vụ việc này, hầu hết các doanh nghiệp lớn đã tham gia hợp tác đầy đủ. Bộ Công thương cũng phối hợp cung cấp các thông tin, dữ liệu đúng hạn theo yêu cầu của EU. Vụ việc đang trong quá trình điều tra.
Cùng đó, Ủy ban Tự vệ thuộc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) thông báo về việc EU tiếp tục gia hạn biện pháp tự vệ thêm một năm (có hiệu lực từ ngày 01/7/2023 đến ngày 30/6/2024). Việt Nam bị áp dụng hạn ngạch chung với các nước khác theo từng quý đối với một số sản phẩm thép
xuất khẩu sang EU .
Sau đó, EU có thể tiến hành rà soát để tiếp tục gia hạn biện pháp tự vệ thêm tối đa là 2 năm hoặc chấm dứt biện pháp
Nguồn tin: Đầu tư